Giá dầu vượt mốc 80 USD/thùng có làm xói mòn nhu cầu về dầu thô?

Nguyễn Thu (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu Brent hôm 18/5 đã đạt mức 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Điều này đang khiến giới đầu tư lo ngại rằng việc giá dầu nhảy vọt sẽ làm xói mòn nhu cầu của thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, những nhà sản xuất dầu lớn thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hiện vẫn không thể hiện chút gì lo lắng với diễn biến của giá dầu.
Giá năng lượng phục hồi mạnh mẽ trong những tuần gần đây, đáng chú ý trong phiên 18/5, giá dầu Brent nhích lên 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014 do nguồn cung dầu toàn cầu được thắt chặt và lo ngại từ việc Mỹ sẽ tái áp đặt lệnh trừng phạt với Iran- nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới.
"Giá dầu ở mức 80 USD/thùng sẽ gây ra một số tác động đến nhu cầu", Patrick Pouyanne, giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng Total SA (Pháp), nói và cho rằng vấn đề có thể xấu hơn nếu xuất khẩu của Iran bị hạn chế vào cuối năm nay. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu giá dầu còn có thể leo lên đến 100 USD/thùng trong những tháng tới”.
 Trong phiên 18/5, giá dầu Brent nhích lên 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. 
Lời bình luận của ông Pouyanne cũng tương tự với mối lo ngại của cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ đưa ra trong tuần này. Ngày 16/5, IEA cảnh báo rằng nguy cơ xói mòn nhu cầu về dầu thô có khả năng xảy ra trong nửa cuối năm nay, nhờ vào sự phục hồi giá do nguồn cung được thắt chặt từ nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC, Nga và một số nước khác.
Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Dharmendra Pradhan đã đề cập mối quan tâm tương tự trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Ả Rập Saudi, ông Khalid Al-Falih. Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc, sẽ gặp khó khăn nếu giá dầu tiếp tục đi lên.
Theo Bộ trưởng Pradhan, ông Khalid Al-Falih khẳng định rằng Ả Rập Saudi và các nhà sản xuất khác sẽ đảm bảo nguồn cung đủ để bù đắp mọi sự thiếu hụt và duy trì giá cả hợp lý.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Al-Falih và Bộ trưởng Dầu mỏ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Suhail Al Mazrouei đều nhận định những diễn biến của thị trường dầu trong thời gian qua được thúc đẩy bởi các yếu tố địa chính trị và nguồn cung toàn cầu hiện vẫn khá dư thừa.
Quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “khuấy động” thị trường dầu mỏ. CEO Pouyanne cho biết: “Chúng ta đang quay trở lại tình hình trước khi thực hiện Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2016.  Vào thời điểm đó, lượng xuất khẩu dầu thô của Iran chỉ đạt 1 triệu thùng/ngày. Đó là lý do tại sao bạn thấy giá dầu cứ tiếp tục tăng và tăng”.
Một ngày trước đó, Total cho biết họ sẽ không cung cấp thêm bất kỳ khoản vốn nào cho dự án khí đốt tự nhiên South Pars 11 của Iran, dự án mà năm ngoái công ty này nắm phần lớn vốn, do lo ngại lệnh trừng phạt của  Mỹ với Tehran. Công ty dầu mỏ Pháp cho biết sẽ không mạo hiểm đầu tư vào Iran trừ khi các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ được dỡ bỏ hoặc châu Âu nhận được một quyền miễn trừ. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần