Giá dầu vượt ngưỡng 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối năm 2014

Nguyễn Thu (Theo Bloomberg, Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá "vàng đen" thế giới trong phiên giao dịch ngày 12/1 (giờ Việt Nam) đã đạt mức hơn 70 USD/thùng lần đầu tiên trong 3 năm qua nhờ những nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu gia tăng.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London có lúc tăng tới 1,2% trong phiên giao dịch ngày 11/1, đạt mốc 70,05 USD/thùng - cao nhất kể từ ngày 4/12/2014.
Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 4,95 triệu thùng trong tuần trước.
Trong phiên giao dịch sáng 12/1, giá dầu Brent giao dịch ở mức 69,18 USD/thùng, giảm 8 xu Mỹ, khoảng 0,1% so với đóng cửa phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu thô WTI giảm 22 xu Mỹ, tương đương 0,3% so với chốt phiên hôm qua, còn 63,58 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên ngày 11/1 do nhận được sự hỗ trợ từ thông tin cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ có chuỗi tuần giảm dài nhất trong mùa đông trong 10 năm gần đây. Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 4,95 triệu thùng trong tuần trước, ghi nhận tuần giảm thứ 8 liên tiếp.
Giá năng lượng toàn cầu đang duy trì đà phục hồi mạnh mẽ từ tháng 12 năm ngoái. Điều này chứng tỏ OPEC cùng với các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, đã thành công trong nỗ lực giảm cân bằng thị trường dầu toàn cầu. Hoạt động khai thác dầu đá phiến ồ ạt ở Mỹ đã gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung kéo dài khiến giá "vàng đen" thế giới giảm chóng mặt từ mùa hè năm 2014.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng đang được hỗ trợ bởi những lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng ở IranVenezuela, hai nước thành viên OPEC.
Lukman Otunuga, chuyên gia phân tích tại FXTM, cho rằng các yếu tố khiến giá dầu tăng ấn tượng trong các phiên giao dịch gần đây là sự gián đoạn nguồn cung lớn, rủi ro địa chính trị và sự lạc quan từ nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC nhằm tái cân bằng thị trường.
"Gần như tất cả mọi yếu tố nền tảng trên thị trường hiện nay đều hỗ trợ tích cực cho giá dầu", ông Paul Horsnell, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản thuộc ngân hàng Standard Chartered ở London, phát biểu.
Giá dầu vượt ngưỡng 70 USD/thùng lần đầu tiên trong 3 năm qua.
Tuy nhiên, khi giá dầu hồi phục, lại có những dấu hiệu cho thấy OPEC có thể rơi vào một cái bẫy mà tổ chức này đã cố tránh.
"Cùng với mức gia tăng sự lạc quan của thị trường, giá dầu vẫn có thể tiếp tục đi lên. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sản lượng dầu đá phiến Mỹ tăng có thể kéo giá dầu giảm", chuyên gia Otunuga dự báo.
Giá dầu đi lên đang thúc đẩy Mỹ gia tăng sản lượng dầu lên ngang mức sản lượng của Ả Rập Saudi và Nga. Theo dự báo của EIA, sản lượng dầu của Mỹ sẽ đạt mức 10 triệu thùng/ngày vào tháng tới và vượt 11 triệu thùng/ngày trước cuối năm 2019.
"Mức giá 70 USD/thùng là quá cao", ông Eugen Weinberg, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản thuộc ngân hàng Commerzbank ở Frankfurt, Đức, đánh giá. "Mức giá này không hoàn toàn nằm ngoài dự báo, xét đến đà tăng giá dầu trong thời gian qua. Nhưng chắc chắn sẽ có phản ứng từ các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ, và chiến lược "phù hợp nhất" từ các nước OPEC", ông Weinberg nói thêm,
Iran đã lên tiếng cảnh báo OPEC rằng chiến lược cắt giảm sản lượng của khối này có thể khiến giá dầu tăng quá nóng. Nhiều thành viên OPEC không muốn giá dầu Brent tăng quá 60 USD/thùng vì mức giá như vậy sẽ khiến Mỹ khai thác dầu đá phiến nhiều hơn - Bộ trưởng Năng lượng Iran Bijan Namdar Zanganeh nói với hãng tin Shana.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), ông Suhail Al Mazrouei, ngày 11/1 nhận định OPEC sẽ duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong thời gian còn lại của năm 2018 và sẽ đạt mục tiêu xóa bỏ nguồn dầu dư thừa trên thị trường toàn cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần