Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá điện tăng 3% "không gây sốc?"

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 4/5/2023, giá điện bán lẻ tăng 3% nhưng các chuyên gia, nhà quản lý đánh giá "không gây sốc", ít tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người dân...

Để việc tăng giá này ít tác động nhất tới người tiêu dùng điện, chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho rằng: Chính phủ và Bộ Công Thương phải yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy mạnh việc truyền thông về tiết kiệm điện trên toàn quốc.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa.

Điều chỉnh ở mức thấp nhất

Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, Bộ Công Thương đã thực hiện một cách rất nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng khi điều chỉnh giá điện tăng 3%, đó là không giật cục, có lộ trình, bảo đảm ổn định tình hình chính trị, xã hội, hài hòa, lợi ích giữa các doanh nghiệp và người dân.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, đây là mức tăng rất thấp khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bởi, cần hiểu rằng, chi phí mua điện đầu vào từ các nhà máy nhiệt điện than vừa qua đã tăng 25%, còn mua điện từ nhà máy tuabin khí tăng 11,3%. “Rõ ràng bình quân giá điện đã tăng khoảng 15% mà điều chỉnh có 3% là mức độ rất thấp” – vị này nói.

Công nhân truyền tải điện Phước Ninh, Ninh Thuận kiểm tra kỹ thuật đảm bảo điện. Ảnh: Khắc Kiên
Công nhân truyền tải điện Phước Ninh, Ninh Thuận kiểm tra kỹ thuật đảm bảo điện. Ảnh: Khắc Kiên
 

Mức tăng giá này phần nào giảm bớt khó khăn tài chính của EVN. Năm nay còn 8 tháng, doanh thu tập đoàn tăng thêm cỡ khoảng hơn 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu khó khăn tài chính của EVN. Về tác động CPI, nếu tăng giá điện 5% sẽ làm CPI tăng 0,17%, nên việc tăng giá 3% sẽ có tác động lên CPI rất nhỏ…

Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam 

Về tác động của mức tăng giá bán lẻ điện 3% lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI),  ông Nguyễn Tiến Thoả cho rằng điều chỉnh dù ít, dù nhiều thì cũng sẽ có tác động nhất định, dù không lớn lắm.

Theo tính toán, tăng 3% tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng 0,99% vòng 1 - trực tiếp, còn vòng hai tác động tăng khoảng 0,1 %.

Nếu mà tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất sử dụng điện nhiều, đơn cử như sản xuất thép giá thành tăng khoảng 0,18%, xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%.  Với 25 triệu hộ tiêu dùng điện hiện nay (bình quân khoảng 200kWh/tháng) sẽ tăng chi phí khoảng 12.000 đồng/tháng. 

Giảm gánh nặng, tránh đầu cơ

Tăng giá điện bán lẻ 3% tuy không cao nhưng nếu không kiểm soát tốt, thị trường sẽ xẩy ra hiện tượng “té nước theo mưa”.  Như vậy một mặt Nhà nước cần phải có chính sách đặc biệt hỗ trợ ngành điện, vì dù có điều chỉnh 3% giá bán lẻ ngành điện vẫn còn rất khó khăn. Mặt khác, Nhà nước phải có chính sách tổng thể về bình ổn mặt bằng giá.Giá điện tăng 3% "không gây sốc?"  - Ảnh 1

Công nhân điện lực miền Trung kiểm tra điện mùa nắng nóng. Ảnh: Khắc Kiên

Trước hết, cần yêu cầu các doanh nghiệp phải kê khai giá báo cáo chi tiết giá thành sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng lợi dụng thêm việc tăng giá điện để tăng giá sản phẩm. Lôi kéo những mặt hàng ở ngoài thị trường, ngoài các chợ dân sinh tăng theo, từ đó gây áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chúng ta.

Hiện nay đang là cao điểm của mùa khô, nhu cầu điện tăng cao, trong khi các hộ tiêu dùng điện sinh hoạt đang áp dụng biểu giá bán lẻ điện bậc thang. Trước các ý kiến cho rằng Việt Nam nên áp dụng Biểu giá điện “một giá”, ông Nguyễn Tiến Thoả nêu quan điểm, khi chúng ta tiến đến thị trường điện cạnh tranh hoàn toàn thì có thể áp dụng điện một giá để người dân tự lựa chọn.

Sử dụng điện gió là giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Khắc Kiên
Sử dụng điện gió là giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Khắc Kiên
 

Tăng giá điện chỉ là một giải pháp nằm trong nhóm các giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, cùng đó phải là các giải pháp về tiết kiệm điện.

Những năm qua, EVN đã đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền tiết kiệm điện, và thực hiện triệt để các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm. hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện điều chỉnh phụ tải tự nguyện phi thương mại tại khu vực phía Bắc, đặc biệt từ tháng 5 đến tháng 8" Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm

Nhưng trước mắt, trong điều kiện nguồn cung điện đang còn có vấn đề và yêu cầu phải tiết kiệm điện một cách mạnh nhất, không cách nào khác cũng như kinh nghiệm của thế giới buộc phải áp dụng biểu giá điện bậc thang.

“Nếu chúng ta chỉ dùng biện pháp hành chính, biện pháp hô hào về tiết kiệm điện, không bao giờ thực hiện được mục tiêu để có điều kiện bảo đảm điện cung cấp cho sản xuất và đời sống tốt hơn. Lúc đó, việc thực hiện các chủ trương đưa tỷ lệ phát thải ròng về 0, yêu cầu tiết kiệm điện cũng rất quan trọng và đóng góp rất tích cực” – ông Thoả nhấn mạnh.

Nguồn cung điện hiện có so với nhu cầu vẫn còn thấp, tình hình đang rất căng thẳng. Việt Nam đang nỗ lực, cố gắng để đưa các nguồn điện năng lượng tái tạo có được như: Điện mặt trời, điện khí, điện gió, điện than vào để bảo đảm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tiêu dùng điện hàng năm.

Trong điều kiện đó, việc tiết kiệm điện là một yêu cầu bắt buộc, phải thực hiện rất nghiêm túc và lâu dài để mà làm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của việc dùng điện và tăng hiệu quả chung của nền kinh tế.

 

Ngày 27/4/2023,  EVN có Quyết định số 377/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 4/5/2023.

Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, đây là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình Bộ Công Thương xem xét.