Giá khí đốt châu Âu tăng gần 30% do lo ngại nguồn cung từ Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria đã đẩy giá khí đốt tại châu Âu nhảy vọt 28% ngay trong ngày 27/4.

Giá khí đốt châu Âu tăng gần 30% trong phiên ngày 27/4 do lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Nga. Ảnh: RT
Giá khí đốt châu Âu tăng gần 30% trong phiên ngày 27/4 do lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Nga. Ảnh: RT

Giá khí đốt châu Âu leo dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu ngừng cung cấp cho Ba Lan và Bulgaria, làm dấy lên lo ngại rằng các nước khác trong khu vực có thể bị “khóa van” khí đốt nếu từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

Theo dữ liệu từ sàn giao dịch ICE tại London, giá khí đốt giao tháng 5 tại trung tâm giao dịch TTF có trụ sở tại Hà Lan đã tăng lên 1.374 USD/1.000 mét khối, tương đương gần 125 USD/megawatt, trong phiên ngày 27/4.

Ngày 27/4, tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom xác nhận, họ đã đình chỉ hoàn toàn việc cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan, do các nước này từ chối thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng rúp trong tháng 4 này. Theo Gazprom, họ sẽ nối lại việc cung cấp khí đốt cho hai nước này nếu nhận được khoản thanh toán bằng đồng rúp.

Gazprom khẳng định họ đã gửi thông báo cho Bulgargaz và PGNiG, hai tập đoàn nhập khẩu khí đốt của Bulgaria và Ba lan, về việc ngừng cấp khí từ ngày 27/4 cho đến khi việc thanh toán được thực hiện theo đúng yêu cầu được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra vào tháng 3.

Cuối tháng trước, Tổng thống Putin yêu cầu các nước “không thân thiện”, bao gồm hầu hết thành viên Liên minh châu Âu (EU), phải thanh toán hợp đồng mua khí đốt bằng đồng rúp do các lệnh trừng phạt của phương Tây chống Nga đã hạn chế việc thực hiện các giao dịch bằng đồng USD và euro của Moscow.

Theo sắc lệnh này, các quốc gia "không thân thiện" phải mở một tài khoản tại ngân hàng Gazprombank của tập đoàn Gazprom, sau đó chuyển USD hoặc Euro vào đó, để chúng được chuyển sang đồng rúp và trả về cho Nga.

Phần lớn các nước EU đều từ chối chấp nhận các điều khoản thanh toán mới của Moscow. Cách đây vài ngày, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các tập đoàn nhập khẩu khí đốt ở châu Âu có thể thực hiện yêu cầu của Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt. Trong số các quốc gia thành viên EU, hiện mới có Áo và Hungary đồng ý thanh toán mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp, trong khi Đức đang cân nhắc yêu cầu của Moscow.

Nga hiện cung cấp hơn 40% nhu cầu khí đốt ở châu Âu. Với Ba Lan, Gazprom cung cấp khoản 40% nhu cầu khí đốt hàng năm của nước này. Trong khi đó, Bulgaria nhập khoảng 3 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm của Nga, chiếm hơn  90% nhu cầu.