Giá khí đốt châu Âu tiến sát mức kỷ lục, vượt mức 1.700 USD/1.000 m3

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng hơn 7% lên hơn 1.700 USD/1.000 m3, theo số liệu trên sàn giao dịch London.

 Giá khí đốt tại châu Âu vượt mức 1.700 USD/1.000 m3 khi đóng cửa phiên ngày 20/12
Trong phiên giao dịch ngày 20/12, giá hợp đồng khí đốt giao tháng 1/2022 tại trung tâm TTF ở Hà Lan nhảy vọt lên 1.732 USD/1.000 m3, tương đương 148,87 Euro/MWh.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (17/12), giá khí đốt tại thị trường châu Âu giao dịch ở mức 1.560 USD/1.000 m3.
Trước đó, hồi đầu tháng 10/2021, giá khí đốt ở châu Âu đã thiết lập mức cao kỷ lục tới 2.000 USD/1.000 m3, tăng gần 400% kể từ đầu năm.
Sau khi hạ nhiệt, giá năng lượng ở châu Âu tiếp tục tăng trong những tuần gần đây sau khi Berlin thông báo dừng việc xem xét cấp phép cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, tuyến đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức.
Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 17/12 khẳng định các quyết định liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 không liên quan đến bất kỳ yếu tố chính trị nào. Theo Thủ tướng Scholz, tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga hoàn toàn là một dự án thương mại.
Việc xây dựng dự án khí đốt hợp tác Nga-Đức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ, Ba Lan và Ukraine.
Rủi ro đối với châu Âu đang gia tăng trong mùa đông này với kho dự trữ khí đốt giảm xuống mức thấp kỷ lục vào thời điểm này trong năm và cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết.
Hiện tại, Nga đang cung cấp 1/3 nguồn cung khí đốt cho châu Âu thông qua một số tuyến đường ống trung chuyển chạy qua Belarus và Ba Lan, Ukraine và tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1. Nguồn cung thiếu hụt khiến cho châu Âu đã phải vật lộn với tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng trong khi giá năng lượng tăng chóng mặt. 
Theo ông Sebastian Bleschke - giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà khai thác kho chứa khí đốt của Đức (INES), dự trữ khí đốt tự nhiên của nước này hiện chỉ đạt gần 60%, mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Phát biểu với tờ Handelsblatt hôm 16/12, ông Bleschke nhấn mạnh rằng nguồn dự trữ khí đốt mới lấp đầy được 59% công suất là "mức thấp kỷ lục” trong lịch sử của Đức - quốc gia có khả năng lưu trữ khí đốt tự nhiên lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, dữ liệu của nhà điều hành vận chuyển khí đốt Gascade (Đức) công bố cho thấy lượng khí đốt được bơm từ Nga đã giảm sau khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga hôm 17/12 bắt đầu nạp khí đốt vào nhánh hai của tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2. Theo đó, lượng khí đốt vận chuyển tới Đức qua trạm nén khí Mallnow ở biên giới Đức-Ba Lan hiện là 370.000kWh/h, giảm mạnh so với mức hơn 1,2 triệu kWh/h hôm 18/12 và mức 10 triệu kWh/h hôm 17/12. Lưu lượng trung bình trong tháng này dao động từ 9-12 triệu kWh/h.
Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom cũng từ chối đặt công suất qua đường ống dẫn khí đốt Yamal-Europe vào tháng 12.
Yamal-Europe là đường ống dẫn khí đốt xuất khẩu xuyên quốc gia, đi vào hoạt động năm 1999 qua Ukraine. Công suất vận chuyển của đường ống là 32,9 tỷ mét khối khí mỗi năm. Đường ống này nối các mỏ khí đốt ở phía bắc Tây Siberia với người tiêu dùng ở châu Âu. Đường ống dẫn khí đốt xuyên quốc gia Yamal-Europe chạy qua 4 quốc gia: Nga, Belarus, Ba Lan và Đức.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần