Giá khí đốt tăng vọt hơn 1.100 USD/1.000m3, châu Âu đối mặt nguy cơ mất điện

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo công ty kinh doanh dầu mỏ Trafigura cảnh báo châu Âu đang thiếu trầm trọng khí đốt tự nhiên và có nguy cơ mất điện trong mùa đông này nếu thời tiết lạnh kéo dài.

Theo hãng tin Tass của Nga, giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh sau khi Đức xác nhận đình chỉ cấp phép dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga.
Cụ thể, theo dữ liệu của ICE,trong phiên giao dịch ngày 16/11, giá khí đốt hợp đồng kỳ hạn tháng 12 tại trung tâm TTF ở Hà Lan nhảy vọt lên lên hơn 1.100 USD/1.000 m3, mức cao nhất kể từ ngày 20/10. Chốt phiên giao dịch này, giá khí đốt được giao dịch ở mức 1.116 USD/1.000 m3.
 Giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng mạnh trong phiên ngày 16/11.
Giá khí đốt ở châu Âu leo dốc mạnh sau khi Đức thông báo tạm dừng việc cấp giấy chứng nhận cho tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2. Bên cạnh đó, mặt hàng nhiên liệu này cũng biến động sau khi tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom không tăng công suất vận chuyển khí đốt tự nhiên qua Ukraine và Ba Lan.
Các đơn vị kinh doanh năng lượng hàng đầu cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra mất điện tại châu Âu trong bối cảnh mùa đông năm nay được dự báo lạnh hơn bình thường mà nguồn cung nhiên liệu lại ở mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Phát biểu với hãng tin Sputnik hôm 16/11, ông Jeremy Weir - giám đốc điều hành Trafigura Group cho biết châu Âu đang thiếu hụt nghiêm trọng  khí đốt và đứng trước nguy cơ bị mất điện trong mùa đông này nếu thời tiết lạnh kéo dài.
Các chuyên gia năng lượng cho rằng tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên sẽ kéo dài cho đến mùa xuân năm sau.
Liên minh châu Âu đang nhập khoảng 40% khí đốt tự nhiên từ Nga. Trong khi đó, tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt từ Nga sang Đức và không trung chuyển qua Ukraine được đánh giá sẽ giúp Đức và khu vực châu Âu tăng lượng lớn nguồn cung khí đốt.
Trước đó cùng ngày, Cơ quan Quản lý năng lượng Đức (Bundesnetzagentur) thông báo tạm đình chỉ tiến trình phê duyệt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 vì công ty vận hành dự án này chưa tuân thủ luật pháp Đức.
Tuyên bố của Bundesnetzagentur nêu rõ trước hết công ty Nord Stream 2 AG - đơn vị điều hành dự án Nord Stream 2, phải được tổ chức và hoạt động theo luật pháp của Đức, sau đó cơ quan này mới có thể phê duyệt dự án. Nếu dự án không được phê duyệt, khí đốt từ Nga sang Đức sẽ không thể vận chuyển qua đường ống này. 
Theo Bundesnetzagentur, hiện Nord Stream 2 AG dự định chỉ thành lập một công ty con tại Đức để quản lý hệ thống đường ống, đoạn đi qua lãnh thổ Đức, song điều đó là không đủ. Thủ tục pháp lý của Đức yêu cầu các tài sản và nguồn nhân lực chính phải được chuyển từ công ty mẹ sang chi nhánh tại Đức. Công ty con này sẽ sở hữu và vận hành phần đường ống ở Đức.
Theo quy trình phê duyệt, sau khi được Bundesnetzagentur cấp giấy phép hoạt động, dự án Nord Stream 2 vẫn cần Ủy ban châu Âu (EC) kiểm tra trước khi Bundesnetzagentur ra quyết định phê duyệt cuối cùng. Quá trình này có thể kéo dài nhiều tháng.  
Cơ quan quản lý năng lượng của Đức hồi tháng 9 cho biết họ có bốn tháng để hoàn thành chứng nhận Nord Stream 2 sau khi nhận được tất cả các tài liệu cần thiết cho giấy phép hoạt động của Nord Stream 2 AG.
Trước đó, hôm 18/10, Nord Stream 2 AG thông báo, chuỗi đầu tiên của đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 đã hoàn tất việc lấp đầy 177 triệu mét khối khí để kiểm tra kỹ thuật.
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm và tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.
Chính quyền Mỹ từng kịch liệt phản đối dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 khi cho rằng việc xây dựng tuyến đường ống khí đốt này khiến làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng từ Nga.
Ba Lan và Ukraine cũng không đồng ý với việc thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga với lý do lo ngại về an ninh năng lượng. Chính quyền Kievv lo ngại rằng việc vận hành tuyến đường ống khí đốt này sẽ khiến Ukraine thiệt hại kinh tế do mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lập pháp tại Đức nhiều lần khẳng định Nord Stream 2 đơn thuần là một dự án kinh tế./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần