Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng SJC lao dốc mất gần 1 triệu, vàng thế giới giảm gần 50 USD trong phiên sáng nay

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng nay (14/3), giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh, khi hàng loạt nước như Mỹ, khu vực châu Âu đã tung ra các gói kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy kinh tế. Vàng thế giới đã mất 47 USD/oz trong sáng nay.

Vàng thế giới biến động mạnh
Chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào đêm qua - rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới đã tăng nhẹ lên 1.677 USD/oz, tăng nhẹ 7 USD so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Đầu phiên giao dịch sáng nay, lúc 8 giờ 30 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường châu Á lại lao dốc xuống ở quanh mốc 1.529 USD/oz, giảm hơn 47 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua, nhưng so với chốt phiên tại thị trường Mỹ trước đó vài giờ thì giá vàng  đã mất 148 USD/oz. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp giá vàng lao dốc, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố cấm toàn bộ các chuyến bay từ các nước châu Âu đến Mỹ (trừ nước Anh) trong vòng 30 ngày.
Tuần qua, giá vàng chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh Covid-19. Ngay khi mở cửa đầu tuần, giá vàng thế giới đã vọt tăng lên trên mốc 1.700 USD/oz. Nhưng cũng chỉ sau phiên đó, giá vàng thế giới lại lao dốc mất hơn 30 USD/oz. 2 phiên sau đó Mỹ tung gói hỗ trợ thuế cá nhân, cùng với Tổ chức Y tế Thế giới công bố dịch bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu vàng vẫn đi xuống. Đặc biệt phiên cuối tuần khi ông Trump cấm các chuyến bay từ châu Âu (trừ Anh) như một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế, cụ thể là ngành hàng không và dịch vụ du lịch.
Theo phân tích của một số chuyên gia, mỗi năm ước tính người Mỹ bay 3 chuyến bay và bỏ ra khoảng 19 tỷ USD đi du lịch. Dù chỉ thời gian dự kiến là một tháng cấm bay với châu Âu, nhưng nếu Mỹ và các nước khu vực châu Âu không chủ động phòng dịch bệnh Covid-19 thì có thể thời gian cấm bay dài hơn. Sự thiệt hại của nền kinh tế là không nhỏ. Nếu nhìn ở góc độ này thì nhà đầu tư đúng ra phải tăng mua vàng để tránh rủi ro.
 Giá vàng thế giới mất gần 50 USD/oz trong phiên sáng nay, còn vàng trong nước mất gần 1 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư lại có góc nhìn khác, đó là: Chính phủ Mỹ cũng đã chi khoản tiền nhất định trong việc phòng dịch, cùng với việc cấm nhập cảnh kể trên sẽ giúp tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát. Như vậy, vàng không còn nhiều cơ hội trong vai trò trú ẩn dòng vốn. Đây chính là lý do mà 2 phiên cuối tuần nhà đầu tư đã bán tháo, mỗi phiên vàng thế giới mất trên dưới 50 USD.
Tính chung, cả tuần giá vàng thế giới đã giảm trên 170 USD/oz so với giá mở cửa tuần. Đây là một tuần giá vàng thế giới lao dốc mạnh nhất từ trước đến nay. Bước giá điều chỉnh trong phiên cũng khá rộng từ trên 20 USD đến trên 50 USD/oz mỗi phiên.
Vàng nhẫn trong nước bán tháo mất trên 2 triệu đồng mỗi lượng
Sáng nay, giá vàng SJC trong nước cũng giảm mạnh cả chiều mua và chiều bán sao với chốt phiên trước, đánh mất mốc 47 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, lúc 8 giờ 30, giá vàng SJC trên thị trường tự do tại TP Hồ Chí Minh giao dịch quanh mốc 45,6 – 46,8 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch quanh mốc 45,6 – 46,82 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều niêm yết giảm 850.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 350.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch giá giữa 2 chiều mua – bán giãn từ 600.000 đồng/lượng lên 1,2 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji cùng thời điểm trên niêm yết vàng SJC giao dịch quanh mức 45,5 – 46,5 triệu đồng/lượng trên thị trường Hà Nội, giảm 800.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 450.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Phiên hôm qua (13/3) đơn vị này đã giảm đến 1,3 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá giữa 2 chiều mua – bán là 1 triệu đồng/lượng.
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 45,5 – 46,5 triệu đồng/lượng trên thị trường Hà Nội, giảm 700.000 đồng/lượng cả chiều mua và giảm 500.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch giá giữa 2 chiều mua - bán  gián ra từ 600.000 đồng/lượng lên 1 triệu đồng/lượng.
Công ty Phú Nhuận sáng nay niêm yết giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ở quanh mức 44,8 – 46,3 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch giá giữa 2 chiều mua – bán kéo giãn từ 900.000 đồng/lượng lên 1,5 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn phú quý 24K sáng nay được Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết mua - bán ở mức 43,3 – 45,3 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 3,1 đồng/lượng chiều mua và giảm 2,1 triệu đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch giá giữa 2 chiều mua - bán vẫn từ mức 1 triệu đồng/lượng lên 2 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn tròn trơn rồng thăng long được công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết ngang giá so với chốt phiên hôm qua, mua – bán ở mức 44,05 – 45,15 triệu đồng/lượng, giảm 2,3 triệu đồng/lượng chiều mua và giảm 1,83 triệu đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch giá giữa 2 chiều mua - bán từ mức 1 triệu đồng/lượng lên 2,15 triệu đồng/lượng.
Như vậy, cũng chỉ liên quan đến dịch bệnh Covid-19, tuần qua giá vàng đã có được mức đỉnh của 7 năm, kể từ tháng 8/2013. Thế nhưng, như Kinh tế & Đô thị đã đưa phân tích của nhiều chuyên gia trong những số trước, giá vàng có thể bị đẩy lên như trái bóng đầy hơi, nhưng nó cũng có thể xi hơi bất kỳ khi nào.
Quả đúng như vậy, chỉ từ đầu tuần, đến cuối tuần giá vàng cả sản phẩm SJC và vàng nhẫn đều đã mất hàng triệu đồng. 2 phiên cuối tuần khi thị trường vàng thế giới giảm mạnh, thì vàng trong nước đều mất trên 1 triệu đồng/lượng mỗi phiên.
Tính chung, vàng SJC trên thị trường tự do đã mất gần 1,8 triệu đồng/lượng; tại các DN đã mất 2,2 – 2,3 triệu đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Chuyên gia vẫn khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng theo dõi các diễn biến của dịch bệnh, cũng như các chính sách của các nước trong hạn chế dịch bệnh ra sao. Nếu dịch bệnh sớm được đẩy lùi thì vàng tiếp tục còn giảm mạnh.