Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 14/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 93,41 USD/thùng, giảm 0,42 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 13/7, giá dầu WTI giao tháng 9/2022 đã tăng 1,66 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 99,47 USD/thùng, giảm 0,10 USD/thùng trong phiên, nhưng đã tăng 1,07 USD so với cùng thời điểm ngày 13/7.
Các chuyên gia cho rằng, do đồng USD mạnh hơn nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất sau khi lạm phát Mỹ ghi nhận mức cao kỷ lục mới từ năm 1981, giá dầu ngày 14/7 giảm nhẹ.
Cụ thể, theo dữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 6/2022 đã tăng lên mức 9,1% so với năm 2021, và là mức tăng cao nhất kể từ cuối năm 1981.
Giá dầu hôm nay giảm còn do nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu ngày một lớn sẽ đẩy các nền kinh tế trong khu vực sớm rơi vào khủng hoảng, qua đó làm giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ dầu thô.
Các báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đều đưa cảnh báo về nhu cầu dầu toàn cầu đang giảm, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn.
Nhu cầu tiêu thụ dầu cũng đang đứng trước thách thức lớn bởi dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp mới tại Trung Quốc, Ấn Độ, 2 quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.
Thông tin về dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 3,3 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với mức dự báo giảm được đưa ra trước đó, cũng tạo áp lực khiến giá vàng đi xuống.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 13/7, giá dầu thô đã bật tăng mạnh khi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát Mỹ đã đạt đỉnh, áp lực suy thoái kinh tế sẽ hạ nhiệt. Một số nước châu Âu công bố lộ trình giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.