Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải cứu Hy Lạp: Nhiệm vụ bất khả thi?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguy cơ Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị tan vỡ đã tạm thời được xóa bỏ khi Liên minh châu Âu (EU) và Hy Lạp đạt được thỏa thuận gia hạn gói cứu trợ thêm 4 tháng.

Tuy nhiên, với danh sách cải cách kinh tế mà Athens công bố hôm 23/2, nhiều nhà quan sát bày tỏ sự lo ngại về một thời kỳ đen tối đang đón đợi Hy Lạp.

Sau đêm trắng ở Brussel để chốt thỏa thuận gia hạn cứu trợ vào thứ Sáu, giới chức Hy Lạp chỉ có 2 ngày để hoàn thiện bản danh sách các cải cách kinh tế cơ bản - điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa EU - Athens nhằm xác định tương lai của Eurozone và nền kinh tế Hy Lạp trong tương lai. Người dân Hy Lạp chưa kịp vui mừng vì nguồn tiền không bị gián đoạn sau hạn chót 28/2 đã nhận ra sự thật phũ phàng rằng, Athens – dù đang được chèo lái bởi một Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử, một Bộ trưởng Tài chính giàu kinh nghiệm và không lạ gì với toan tính của các chủ nợ quốc tế cũng khó lòng đưa ra được một kế hoạch hoàn chỉnh trong khoảng thời gian ít ỏi đó.

Trong bản danh sách gửi tới Brussel, giải pháp quan trọng nhất được đưa ra là kiểm soát chặt các  nguồn thuế như từ buôn lậu xăng dầu: 1,5 tỷ Euro, buôn lậu thuốc lá: 800 triệu Euro, thuế người giàu: 2,5 tỷ Euro, truy thu thuế: 2,5 tỷ Euro... Theo mục tiêu này, Athens có thêm 7,3 tỷ Euro nhưng không ít chuyên gia nhận định, đây là một kế hoạch bất khả thi và khó có thể thuyết phục được các chủ nợ. Đó là chưa kể đến việc lương hưu – “giới hạn đỏ” trong cam kết giúp Thủ tướng Tsprats thắng cử và sẽ không bị cắt giảm, thậm chí còn có lộ trình tăng dần. Nếu Eurozone không chấp nhận danh sách cải cách của Athens, nhiều khả năng các cuộc họp khẩn cấp sẽ được triệu tập ngay trong tuần này.

Tuy nhiên, ngay cả khi được chấp nhận giải ngân thêm tiền, hệ thống ngân hàng chưa chắc đã có đủ lượng tài sản đảm bảo để thế chấp khi luồng tiền bị rút khỏi đã tăng lên 50% chỉ trong một tuần, từ mức 2 tỷ Euro lên 3 tỷ Euro. Theo tính toán của JP Morgan, với đà này, chưa đầy 8 tuần nữa, các ngân hàng Hy Lạp sẽ cạn tiền và buộc phải ngừng hoạt động nên câu chuyện sau 4 tháng, Athens có thể tiếp cận được với thị trường trái phiếu quốc tế chỉ là giả tưởng. Đó là chưa kể đến việc, bầu không khí yên bình trong quan hệ nhiều sóng gió giữa EU – Hy Lạp vừa được thiết lập có thể bị đe dọa bởi sự bất ổn trong nội bộ của Đức và Hy Lạp. Tại Athens, một chính trị gia từng theo đường lối cánh tả Manolis Glezos đã chỉ trích thỏa thuận giữa chính quyền và bộ ba chủ nợ sẽ từ từ đưa nước này quay trở lại con đường khắc khổ. Ở Berlin, giông bão cũng nổi lên khi nhiều chính trị gia theo đuổi quan điểm cứng rắn với Hy Lạp hơn cả cách mà Bộ trưởng Tài chính Schaeuble đã thể hiện.

Vậy là giải pháp của Hy Lạp đã có nhưng việc Athens có được giải cứu, Eurozone có được bảo toàn hay không vẫn cần một chặng đường dài phía trước và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của các bên.