Giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran: Tưởng kết thúc, hoá tiếp tục

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển vọng đàm phán giữa các bên liên quan nhằm khôi phục hoàn toàn hiệu lực của thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) trở nên bi quan sau khi đại diện của EU đưa ra dự thảo thỏa thuận mới cuối cùng và tuyên bố không đàm phán thêm nữa.

Kỹ thuật viên làm việc tại cơ sở hạt nhân Isfahan, cách thủ đô Tehran của Iran 420km. (Ảnh: AFP/ TTXVN)  
Kỹ thuật viên làm việc tại cơ sở hạt nhân Isfahan, cách thủ đô Tehran của Iran 420km. (Ảnh: AFP/ TTXVN)  

Cứ theo thái độ mà các bên liên quan đã thể hiện trong những ngày vừa qua thì đàm phán phải được tiếp tục thì rồi đây mới có thể có được thỏa thuận mới.

Phía Iran đưa ra hẳn dự thảo khác chứ không đáp lại dự thảo của đại diện EU theo cách trả lời chấp thuận hay không chấp thuận. Mỹ đánh giá sự trả lời của Iran về dự thảo của EU là bước thụt lùi. Anh, Đức và Pháp - cả ba tham gia ký kết JCPOA cùng với Mỹ, Iran, Trung Quốc và Nga hồi mùa hè năm 2015 - cùng nhau đưa ra hẳn bản tuyên bố chung với nội dung phê phán Iran không thành tâm đàm phán và không muốn đàm phán kết thúc thành công. Trung Quốc và Nga không có biểu lộ công khai gì.

Sự khác biệt quan điểm giữa Iran với Mỹ, Anh, Đức và Pháp về nội dung của thỏa thuận mới xem ra vẫn còn rất lớn và rất cơ bản. EU đóng vai trò trung gian trong quá trình đàm phán này cho đến nay bởi Mỹ và Iran không thương thảo trực tiếp với nhau. Nếu như bây giờ phía EU thực hiện như đã tuyên bố là không tiếp tục đàm phán nữa thì sẽ chẳng thể có thỏa thuận mới và sẽ tiếp tục tình trạng JCPOA vẫn tồn tại trên danh nghĩa nhưng không được Mỹ và Iran tuân thủ. Nếu lại tiếp tục đàm phán thì nội dung đàm phán sẽ là dự thảo thỏa thuận của EU và dự thảo thỏa thuận hồi đáp của Iran. Như thế trong thực chất đâu có khác gì cò cưa lại từ đầu.

Bối cảnh chính trị thế giới bên ngoài gia tăng mức độ cần thiết của việc các bên ký kết thỏa thuận mới nhưng lại làm cho việc đạt được thỏa thuận càng thêm khó khăn, đặc biệt là chiến sự ở Ucraine và cuộc đối địch quyết liệt giữa Mỹ, EU và Nato với Nga, Triều Tiên làm găng thêm trong vấn đề hạt nhân và cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ.