Du lịch - ngành kinh tế quan trọng
Đồng Tháp là một trong những tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là vùng đất có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Đồng Tháp nổi tiếng về hoa sen với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, còn giữ được nét hoang sơ; nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị; nghệ thuật ẩm thực độc đáo; con người hiền lành, nhân hậu và mến khách…
Tài nguyên du lịch của tỉnh Đồng Tháp khá phong phú và đa dạng. Được phân bố khá đồng đều, là nền tảng để hình thành các khu, điểm du lịch đặc trưng của địa hương. Những năm gần đây, Đồng Tháp đã có những định hướng cũng như quyết sách khá táo bạo để khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh. Đồng thời địa phương xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng; ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực này.
Theo báo cáo của ngành chức năng, tổng lượt khách du lịch đến với Đồng Tháp trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2,5 triệu lượt khách, tăng 8,99% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 65,79% kế hoạch năm. Tổng thu ước đạt 1.100 tỷ đồng tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 61,11% kế hoạch năm. 6 tháng cuối năm ngành du lịch ước đạt 2 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 900 tỷ đồng
Tuy nhiên, với tiềm năng lợi thế phát triển du lịch phong phú và đa dạng nhưng kết quả đạt được ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp vẫn còn khiêm tốn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.
Tình trạng thiếu nguồn nhân lực được đào tạo theo các tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu phát triển. Các doanh nghiệp du lịch của tỉnh Đồng Tháp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ cá thể nên nguồn lực tài chính hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong công tác đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, sản phẩm dịch vụ mới… Công tác kêu gọi đầu tư vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa tìm được nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư vào du lịch.
Giải pháp để phát triển du lịch Đồng Tháp
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết: Thời gian qua tỉnh đã thực hiện Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh, giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn đến 2030; Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2023 – 2025 định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch có chất lượng cao, khác biệt, có giá trị gia tăng và tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên đặc trưng của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch.
Đồng thời, phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: sản phẩm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch văn hóa lịch sử (Đình làng – Nhà cổ) kết hợp Lễ hội; du lịch ẩm thực Sen - sự kiện/MICE kết hợp mua sắm; du lịch chính quyền, du lịch số; du lịch chăm sóc sức khỏe.
Đặc biệt, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch và hình ảnh tỉnh. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dịch vụ bổ trợ kết hợp với dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm đầy đủ tiện ích, khu phố ẩm thực – mua sắm - chợ đêm tại các khu trung tâm nhằm thu hút du khách lưu lại dài ngày, tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch; Nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; Đẩy mạnh hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch, hình ảnh địa phương và mời gọi đầu tư; Bảo vệ môi trường du lịch, an ninh, an toàn, thân thiện và văn minh; Tăng cường chuyển đổi số…
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu thông tin thêm: Năm 2024, ngành du lịch Đồng Tháp phấn đấu thu hút 4.200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có 50.000 khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt 2.000 tỷ đồng. Đồng thời, tập trung phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch trang trại thân thiện với môi trường, gia tăng trải nghiệm cho khách gắn với làng nghề truyền thống.