Giải quyết xung đột Nga-Ukraine, cả thế giới trông vào Ấn Độ

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với ưu thế riêng có, Ấn Độ được kỳ vọng hiện thực hóa kế hoạch hòa đàm cả thế giới trông đợi bao lâu nay.

Khi những nỗ lực chấm dứt xung đột Nga-Ukraine rơi vào bế tắc, Ấn Độ nổi lên như một cứu cánh mà cả thế giới mong đợi.

Có nhiều yếu tố khiến New Delhi trở thành ứng viên hoàn hảo cho kế hoạch hòa bình.

Biết cách xử lý thỏa đáng mối quan hệ với Nga và Ukraine

Kể từ khi xung đột diễn ra, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi luôn ở thế trung lập, với việc không lên án hành động của Tổng thống Putin và duy trì hợp tác với Nga. Bất chấp mọi lệnh trừng phạt từ phương Tây, Ấn Độ luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Moscow cũng như hợp tác trong nhiều lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học-công nghệ, văn hóa. 

New Delhi cũng không “ngó lơ” Ukraine khi hai bên bắt đầu tiến hành các cuộc gặp gỡ trong thời gian gần đây. Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản vào cuối tháng 5/2023, Thủ tướng Modi đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và hứa hẹn chấm dứt xung đột bằng mọi giá. Ngay sau đó, vị thủ tướng này có cuộc điện đàm với ông Putin thúc giục cuộc đối thoại nhằm chấm dứt chiến tranh. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng tạo điều kiện cho Cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval gặp Chánh văn phòng Tổng thống Ukrane Andriy Yermark để bàn về quan hệ song phương.

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hiroshima, Nhật Bản tháng 5/2023. Nguồn: Foreign Affairs
Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hiroshima, Nhật Bản tháng 5/2023. Nguồn: Foreign Affairs

Tận dụng vai trò chủ tịch G20 để sắp xếp các cuộc gặp ngoại giao

Vào tháng 9/2023, Ấn Độ sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 tiếp theo. Khi đó, New Delhi có thể đề cập đến các cuộc trao đổi ngoại giao bước đầu giữa Nga, Ukraine và nhiều đối tác khác. Để tránh những bài học thất bại trước đó của Brazil, Indonesia hay Trung Quốc khi ngay lập tức đưa ra những bản kế hoạch toàn diện, chính quyền ông Modi có thể tung ra thỏa thuận mang tính thăm dò các bên, từ đó đề ra chiến lược, mục tiêu cụ thể.

Vào tháng 3/2023, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc gặp mặt đầu tiên với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại New Delhi kể từ khi chiến sự nổ ra. Và điều này hoàn toàn có thể lặp lại trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay khi sự kiện là tâm điểm cho các cuộc gặp mặt cấp cao tiếp theo của Nga, Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu.

Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ cũng có thể hỗ trợ các cuộc đối thoại cấp cao giữa Nga, Ukraine, Mỹ và châu Âu bằng các kênh đối thoại chính thức và không chính thức. Thông qua thảo luận các vấn đề như: đối xử nhân đạo với tù nhân, hạn chế nhắm mục tiêu quân sự xung quanh các nhà máy điện hạt nhân, không khuyến khích sử dụng bom chùm, sơ tán dân thường khỏi khu vực giao tranh dữ dội, các bên cùng xây dựng mức độ tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, từ đó tiến tới giải quyết hiệu quả xung đột.

Kinh nghiệm đối phó với vấn đề hạt nhân

Là một trong những siêu cường sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, New Delhi hiểu rõ mức độ tàn phá khủng khiếp của loại vũ khí giết người hàng loạt này cũng như có nhiều kinh nghiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến chiến tranh hạt nhân. Tận dụng mối quan hệ chặt chẽ với Nga, chính quyền ông Modi cần phải thuyết phục Điện Kremlin không được sử dụng vũ khí hạt nhân trong mọi trường hợp, kể cả vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Có lý do phải nỗ lực hết sức cho vấn đề toàn cầu

Thủ tướng Modi bước vào đợt bầu cử năm 2024 với vị thế bất lợi hơn so với phe đối lập sau thất bại ở cuộc bầu cử quốc hội bang Karnataka. Vì vậy, thành công trong việc làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine sẽ giúp ông yên tâm hơn trước khi bước vào cuộc đối đầu cam go với các ứng cử viên tiềm năng. Thêm vào đó, Ấn Độ cần phải khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Có tiếng nói trong giải quyết xung đột sẽ giúp siêu cường châu Á này thể hiện năng lực trong việc duy trì trật tự toàn cầu. Hơn nữa, việc đối thủ láng giềng Trung Quốc liên tục khẳng định vai trò trung gian hòa giải thông qua hóa giải thành công mối quan hệ Iran-Ả Rập Saudi hay bản kế hoạch hòa bình cho xung đột Nga-Ukraine cũng buộc Ấn Độ phải lập tức hành động để không vuột mất cơ hội.

Từ những lý do trên, Ấn Độ nghiễm nhiên trở thành ứng cử viên tiềm năng nhất trong việc chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Trước thời điểm then chốt này, New Delhi cần phải có những nước đi thận trọng, chính xác để vừa thúc đẩy các mối quan hệ, vừa tránh rủi ro, căng thẳng leo thang.