Theo ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, quỹ đất ở đô thị được Quốc hội duyệt năm 2010 là 111.000 ha, nhưng thực tế năm 2010 đã đạt 134.000 ha (bình quân 51 m2/người), tăng 23.000 ha so với chỉ tiêu được duyệt.
Đại diện Cục Quản lý nhà ở và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng thẳng thắn cho rằng, diện tích đất ở tại đô thị tăng nhanh là do trong 10 năm qua đã có nhiều đô thị được thành lập, nâng loại và mở rộng địa giới hành chính.
Trong khi đó diện tích đất ở nông thôn thực hiện chưa đạt so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt, do việc xác định để công nhận diện tích đất vườn, ao trên cùng thửa đất có nhà ở theo quy định tại Điều 87 của Luật Đất đai năm 2003 trong các khu dân cư rất khó khăn. Hiện các địa phương mới tính diện tích đất ở trong hạn mức. Tuy nhiên, thực tế này cũng cho thấy, việc xác định nhu cầu về đất ở chưa bám sát, theo kịp được sự phát triển trên thực tế, đặc biệt là tốc độ đô thị hóa, dịch chuyển dân số cơ học từ nông thôn ra thành thị trong 10 năm vừa qua.
Nhận xét về thực tế “tốc độ đô thị hóa ngày càng gia tăng nên quỹ đất dành xây đô thị mới, nhà ở đã phá vỡ kế hoạch ban đầu, buộc các cơ quan đơn vị phải điều chỉnh quy hoạch thường xuyên”, GS - TSKH Đặng Hùng Võ cũng cho hay, năm 2010, cả nước có 752 đô thị, trong đó chỉ riêng 5 Thành phố trực thuộc Trung ương và 40 thành phố trực thuộc tỉnh đã chiếm diện tích 105.000 ha với số dân đô thị là 22,3 triệu người. Con số này năm 1999 là 629 đô thị, trong đó có 4 Thành phố trực thuộc Trung ương, 20 thành phố trực thuộc tỉnh với số dân 14,9 triệu người. Còn theo chiến lược phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, diện tích đất đô thị sẽ tăng từ 1,3 triệu ha hiện nay lên đến 2 triệu ha, tỷ lệ đô thị hoá sẽ tăng từ 29% hiện nay lên đến 45% và đặt ra nhu cầu sử dụng đất mỗi năm tăng thêm khoảng 70.000 ha.
Tuy nhiên, cũng có thực tế là, đất ở tại đô thị cũng được các địa phương giao vượt chỉ tiêu 20,72% chỉ tiêu Quốc hội cho phép. Trên địa bàn cả nước có hơn 2.500 dự án nhà ở và khu đô thị mới đang triển khai, lượng nhà ở mỗi năm tăng lên từ 20 - 25 triệu m2. Nhưng đây cũng là phân khúc hấp dẫn nhất của thị trường bất động sản, có thể mang lại siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư. Vì vậy theo ông Võ, chỉ tiêu quy hoạch này cũng cần được giám sát chặt chẽ để tránh mất cân đối cung - cầu trong thị trường nhà ở.
Trong khi loại đất khu đô thị, đất ở đô thị có tốc độ sử dụng tăng nhanh so với quy hoạch thời gian qua thì đáng buồn là, đất đô thị dành cho phát triển hạ tầng, phúc lợi công cộng như y tế, giáo dục đào tạo, thể thao, khu vui chơi giải trí, kiến trúc cảnh quan, môi trường đô thị đặc biệt là đất ở dành cho tầng lớp bình dân, người lao động lại có sự hạn chế, gây nên những bức xúc trong việc đáp ứng yêu cầu quy hoạch này.
Ông Lê Quốc Dung, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy Ban kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, Chỉ tiêu đất đô thị, đất ở tại đô thị rất quan trọng trong quá trình đô thị hóa hiện nay, cần chống lại sự tác động, bóp méo của cơ chế thị trường hiện nay khắc phục tình trạng chưa có quy hoạch đô thị mà đã cấp phép các dự án hết không gian, đây là vấn đề thực tiễn cần được điều chỉnh ngay. Do đó cần được Quốc hội quyết định chỉ tiêu đất đô thị và đất ở đô thị, để kiểm soát và giám sát quá trình đô thị hóa được đúng hướng.
Rõ ràng, việc phá vỡ quy hoạch sử dụng đất đô thị đã kéo theo nhiều hệ quả như: trong khi hàng loạt chung cư, khu biệt thự bị bỏ hoang gây lãng phí thì một bộ phận không nhỏ người thu nhập thấp vẫn không có chỗ ở; sự mất cân đối cung – cầu dẫn đến thị trường bất động sản đóng băng, giao dịch trầm lắng trong thời gian qua…Vì vậy, việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất hợp lý, giám sát chặt chẽ việc cấp đất xây dựng đô thị được kỳ vọng là một liều thuốc để chữa những “cơn sốt lạnh” hiện nay của thị trường bất động sản