Chỉ số Dow Jones biến động mạnh trong phiên ngày 26/2, đóng cửa gần mức thấp nhất khi nhà đầu tư đối mặt với nỗi lo lãi suất ngày càng tăng nhanh. Chốt phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số blue-chip “bốc hơi” 469,64 điểm (tương đương 1,5%) về còn 30.932,37 điểm mặc dù khởi sắc ở đầu phiên.
Cả 3 chỉ số chính trên sàn Phố Wall đều chứng kiến tuần giảm điểm trước nỗi lo của nhà đầu tư về lợi suất trái phiếu và lạm phát tăng. |
Trong khi đó, S&P 500 sụt 0,5%, về mức 3.811,15 điểm do đà suy yếu của hai nhóm cổ phiếu năng lượng và tài chính. Ngược lại, chỉ số Nasdaq Composite khép phiên với mức tăng nhẹ 0,6% lên 13.192,34 điểm nhờ đà hồi phục của các “ông lớn” công nghệ sau phiên bán tháo mạnh.
Trong phiên giao dịch ngày 26/2, cổ phiếu của các hãng công nghệ lớn vốn hóa lớn, gồm Facebook, Microsoft và Amazon đồng loạt tăng hơn 1%. Chỉ số công nghệ cũng biến động mạnh trong phiên giao dịch này, khi có thời điểm tăng vọt tới 1,9% lên mức cao nhất trong phiên, nhưng cũng có lúc mất 0,7%.
Cả ba chỉ số chính trên sàn Phố Wall đều chứng kiến tuần giảm điểm trước nỗi lo của nhà đầu tư về lợi suất trái phiếu và lạm phát tăng. Tính chung cả tuần qua, S&P 500 hạ 2,5% và là tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp. Dow Jones cũng mất 1,8% trong khi Nasdaq ghi nhận tuần giao dịch tệ nhất với mức giảm 4,9%.
Mặc dù diễn biến tiêu cực trong tuần này, nếu tính cả tháng 2, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn có mức leo dốc nhẹ. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones tăng lần lượt 2,6% và 3,2%, còn Nasdaq nhích nhẹ 0,9%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm trong phiên ngày thứ Sáu giảm 10 điểm cơ bản xuống 1,42% sau khi có thời điểm tăng lên 1,6% ở phiên trước đó.
Lợi suất các kỳ hạn ban đầu giảm mạnh sau khi số liệu lạm phát PCE được công bố nhưng sau đó bật tăng trở lại, châm ngòi cho đợt giảm điểm của các chỉ số chứng khoán.
Chính việc lợi suất tăng vọt đã làm nhà đầu tư chứng khoán sợ hãi và khiến chỉ số Nasdaq Composite trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2020 trong phiên giao dịch ngày thứ Năm. Tính từ đầu năm đến nay, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm đã tăng hơn 50 điểm cơ bản - mức tăng tương đối mạnh.
Các nhà phân tích cho rằng thị trường trái phiếu đang phản ứng trước các thông tin kinh tế tích cực, bao gồm việc tiêm vaccine được đẩy nhanh và các dự báo GDP khả quan, vốn là yếu tố có lợi cho lợi nhuận doanh nghiệp. Tuy nhiên, các yếu tố này cũng là tín hiệu lạm phát có thể tăng nhanh hơn trong thời gian tới.
"Nếu thị trường cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bằng cách nào đó đã mất quyền kiểm soát thị trường trái phiếu, tâm lý tiêu cực sẽ xuất hiện”- ông Art Cashin - giám đốc hoạt động sàn tại UBS, nhận định.
Các nhà đầu tư đang chuyển hướng dồn tiền vào nhóm cổ phiếu được hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Nhóm cổ phiếu năng lượng của chỉ số S&P 500 tăng 4,3% trong tuần này, nâng tỷ lệ leo dốc trong tháng 2 lên mức 21% giữa kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu sẽ hồi phục khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Cổ phiếu tài chính cũng tăng 11% trong tháng này nhờ hưởng lợi từ môi trường lãi suất cao hơn./.