Chứng khoán châu Á tăng nhẹ
Thị trường cổ phiếu châu Á đi lên trong phiên giao dịch ngày 5/5 nhờ tâm lý lạc quan của giới đầu tư khi chính phủ nhiều nước bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tăng 0,56% trong phiên này, với tất cả chỉ số lớn trong khu vực đều tăng điểm
Nhiều bang tại Mỹ đang hướng tới việc mở cửa lại nền kinh tế khi số ca nhiễm mới chậm dần trong nhiều tuần qua. Gavin Newsom, Thống đốc bang California, cho biết một số doanh nghiệp có thể mở cửa vào cuối tuần này. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo Mỹ đã có 24 giờ bùng phát nguy hiểm nhất từ ngày thứ năm (30/4) cho đến thứ sáu (1/5).
Gene McGillian, phó chủ tịch nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy ở Stamford, Connecticut, cho biết thị trường giao dịch khởi sắc nhờ nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế thế giới sẽ dần phục hồi.
Chỉ số Hang Seng của sàn Hong Kong (Trung Quốc) nhích 0,66% sau phiên giảm mạnh nhất 6 tuần qua. Cổ phiếu tăng bất chấp báo cáo từ chính quyền cho biết kinh tế Hong Kong giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I, ghi nhận quý giảm mạnh nhất kể từ năm 1974.
Tại thị trường Australia, chỉ số ASX 200 cũng tăng 1,26%. Ngân hàng trung ương Australia trong ngày 5/5 sẽ công bố quyết sách tháng 5. Giới đầu tư dự báo cơ quan này không hạ lãi suất vì lãi suất tại nước này đã chạm sàn trong khi các nhà hoạch định chính sách không tha thiết một con số dưới 0.
“Chúng tôi đang quan tâm nhiều hơn tới phản ứng về chính sách của các chính phủ và ngân hàng trung ương. Tôi nghĩ đó là động lực quan trọng nhất đối với kinh tế thế giới vào thời điểm hiện tại”, chuyên gia kinh tế trưởng Chetan Ahya tại Morgan Stanley cho biết.
Thị trường tài chính tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đóng cửa nghỉ lễ hôm nay.
Phố Wall đảo chiều, thoát đáy giảm sâu giữa phiên
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên ngày 4/5 khi nhóm cổ phiếu công nghệ giúp các chỉ số hồi phục từ đáy của phiên, bù lại sự sa sút của nhóm hàng không.
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 26 điểm, tương đương 0,1% lên 23.750 điểm. Giữa phiên, có lúc chỉ số này sụt 360 điểm.
Chỉ số S&P 500 cộng 0,4%, Nasdaq Composite kết phiên nhảy vọt lên 1,2% nhờ diễn biến tích cực của các cổ phiếu công nghệ lớn. Microsoft và Netflix tăng lần lượt 2,4% và 3%; Apple và Facebook cùng tăng 1,4%.
Đà leo dốc của các cổ phiếu công nghệ đã giúp bù lại sự lao dốc của nhóm cổ phiếu hàng không sau bình luận của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Tại đại hội cổ đông ngày 2/5 của tập đoàn Berkshire Hathaway, Chủ tịch kiêm CEO Warren Buffett cho biết ông đã bán toàn bộ cổ phiếu tại 4 hãng bay lớn nhất nước Mỹ là Delta, American, United và Southwest vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cổ phiếu hàng không nằm trong nhóm sụt giảm mạnh nhất chỉ số S&P 500 trong phiên 4/5, trong đó Delta, United và American Airlines cùng giảm trên 5%. Tập đoàn chế tạo tàu bay Boeing cũng chứng kiến cổ phiếu giảm 1,4%.
Ông Buffett lạc quan về triển vọng kinh tế dài hạn của nước Mỹ sau đại dịch nhưng ông cũng lo ngại rằng Covid-19 đã thay đổi vĩnh viễn môi trường kinh doanh của một số ngành công nghiệp. Việc ông bán hết cổ phiếu 4 hãng hàng không cho thấy các nhà đầu tư khác có vẻ đang lạc quan quá sớm về triển vọng nền kinh tế trở lại bình thường.
Ông Tom Lee - Giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn Fundstrat Global Advisors nhận định: "Warren Buffett là một nhà đầu tư dài hạn, vậy nên quyết định thoái vốn cho thấy ông tin rằng ngành hàng không đang đối mặt với những thách thức có khả năng thay đổi căn bản giá trị của ngành".
Nhiều bang của Mỹ đang xem xét nới lỏng lệnh giãn cách xã hội và rục rịch mở cửa trở lại những hoạt động kinh doanh không thiết yếu trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh Covid-19 đang tăng chậm hơn trước. Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết, đã phác thảo kế hoạch mở cửa lại kinh doanh ở bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Thống đốc California, ông Gavin Newsom, nói rằng các doanh nghiệp bán lẻ ở tiểu bang có thể bắt đầu mở cửa trở lại vào đầu tuần này.
Một vấn đề khác là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu trở lại, liên quan đến nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 3/5 cho biết có "bằng chứng đáng kể" về việc dịch bệnh Covid-19 có liên quan tới một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Những nhận định này được đưa ra sau khi Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow nói rằng Trung Quốc sẽ "phải chịu trách nhiệm" về đại dịch. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết ông đang xem xét áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc./.