Giới đầu tư săn cổ phiếu tiềm năng, Dow Jones tăng vọt 3%

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính trên sàn Phố Wal tăng hơn 3%, khi nhà đầu tư tìm cổ phiếu giá rẻ, chống chịu được tác động kinh tế từ đại dịch Covid-19.

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên 30/3, nới rộng đà leo dốc mạnh mẽ từ tuần trước khi chính quyền Washington tăng cường các biện pháp để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh Covid-19.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên 30/3.
Sau phiên giảm mạnh cuối tuần trước, các chỉ số chính của Phố Wall đã hồi phục trở lại mạnh mẽ trong phiên ngày 30/3 với kỳ vọng về các gói kích thích kinh tế và nhà đầu tư nhận thấy nhiều cố phiếu đã trở nên rẻ hơn.
Nhận thấy nhiều cổ phiếu đang ở mức giá rẻ và sẽ được hưởng lợi lợi từ các gói kích thích kinh tế của Mỹ, giới đầu tư đã xuống tiền săn hàng trong phiên giao dịch đầu tuần mới, đặc biệt là nhóm cổ phiếu sản xuất thiết bị y tế và công nghệ.
Kết thúc phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones nhảy vọt 690,70 điểm (tương đương 3,2%) lên 22.327,48 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 3,4% lên 2.626,65 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite nhích 3,6% lên 7.774,15 điểm.
Các cổ phiếu công nghệ như Microsoft, Alphabet và Amazon dẫn đầu đà tăng trên Phố Wall. Microsoft nhảy vọt 7%, còn cổ phiếu Alphabet và Amazon lần lượt cộng 3,3% và 3,4%.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, gói nới lỏng tài khóa 2.200 tỷ USD của chính phủ Mỹ và các chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giúp chứng khoán Mỹ lấy lại phần nào số điểm mất đi tuần trước.
Dow Jones hiện đã tăng 20% từ mức thấp nhất sau đợt báo tháo vì lo ngại dịch bệnh Covid-19, trong khi S&P 500 tăng hơn 17% từ mức này. Nasdaq Composite đã phục hồi hơn 13%.
Phát biểu tại cuộc họp hôm 29/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo  các yêu cầu nhằm hạn chế tiếp xúc xã hội trên phạm vi toàn quốc sẽ được kéo dài đến 30/4, nói thêm rằng tỷ lệ tử vong vì dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh trong 2 tuần tới. Mặc dù những biện pháp này có thể khiến hoạt động kinh tế bị gián đoạn trong ngắn hạn, một số nhà đầu tư nhận định đây là cách ngăn chặn thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tâm lý nhà đầu tư phấn khích hơn sau khi công ty Johnson & Johnson cho biết họ đang là ứng cử viên hàng đầu được lựa chọn để sản xuất vaccine chống bệnh Covid-19. Công ty nói rằng sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine trên người vào tháng 9/2020. Cổ phiếu Johnson & Johnson đã nhảy vọt 8%. Liên quan đến đại dịch, Italia cũng công bố số ca nhiễm mới thấp nhất trong gần 2 tuần.
Ông Dave Albrycht - giám đốc đầu tư của Newfleet Asset Management , nhận định: “Tôi cho rằng đà phục hồi của thị trường cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu Mỹ có sớm nghiên cứu và phát triển được vaccine chống Covid-19 hay không, và đến thời điểm nào các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường”.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh hồi tuần trước một phần nhờ vào triển vọng của gói kích thích tài khóa và tiền tệ khổng lồ. Tổng thống  Trump hôm 27/3 đã ký ban hành đạo luật về gói kích thích trị giá 2 ngàn tỷ USD bao gồm các khoản thanh toán trực tiếp để hạn chế thiệt hại kinh tế từ sự bùng phát dịch Covid-19. Ngoài ra, FED cũng đưa ra một loạt các biện pháp để duy trì nền kinh tế, bao gồm chương trình mua tài sản không giới hạn thời hạn.
Dẫu vậy, nhà đầu tư vẫn phải chờ đợi thêm tín hiệu về sức khỏe nền kinh tế khi vẫn còn lo ngại đà bán tháo tệ nhất thập kỷ chưa chấm dứt. Chỉ số theo dõi biến động tại Wall Street vẫn đang ở mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Số ca nhiễm dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tăng cao, góp phần làm tăng sự không chắc chắn về việc khi nào các biện pháp phong tỏa và cách ly sẽ được dỡ bỏ và nền kinh tế có thể trở lại bình thường.
Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận hơn 713.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Mỹ đã vượt qua Italia và Trung Quốc hồi tuần trước trở thành quốc gia có số người nhiễm bệnh Covid-19 nhiều nhất với hơn 136.000 ca. Gần 50% số ca nhiễm tại Mỹ đến từ New York, nơi ghi nhận hơn 59.000 người mắc bệnh./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần