Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giới đầu tư thận trọng chờ tín hiệu mới từ FED, chứng khoán Mỹ rơi đỉnh

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cùng trượt khỏi mức cao kỷ lục do nhà đầu tư thận trọng chờ kết quả cuộc họp chính sách của FED.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt đi xuống khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/1 khi giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo doanh thu và lợi nhuận quý IV/2020 của một loạt doanh nghiệp lớn, trong đó có các tập đoàn công nghệ.
 Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên 26/1.
Chỉ số S&P 500 có thời điểm lập đỉnh, nhưng chốt phiên sụt 0,2% xuống còn 3.849,57 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones có lúc đi lên hơn 150 điểm, song đóng cửa phiên giao dịch giảm  22,9 điểm, tương đương 0,1%, về mức 30,937,10 điểm. Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của chỉ số gồm 30 cổ phiếu bluechip này.
Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 0,1%, xuống còn 13.626,06 điểm sau khi lập mức cao kỷ lục trong phiên trước đó.
Cổ phiếu General Electric tăng 2,7% nhờ số liệu dòng tiền tự do tốt hơn dự báo trong quý IV/2020 và triển vọng khả quan trong năm nay. Johnson & Johnson cộng hơn 2% nhờ lợi nhuận vượt dự báo, còn 3M cũng tăng 3% nhờ kết quả kinh doanh tốt. 
Tập đoàn công nghệ Microsoft thông báo kết quả kinh doanh quý IV/2020 (tức quý II trong niên độ tài khóa của công ty) sau khi thị trường đóng cửa. Giá cổ phiếu Microsoft leo dốc hơn 1% trong phiên. Các “ông lớn” công nghệ khác như Apple, Facebook, Caterpillar và Tesla cũng sẽ thông báo lợi nhuận trong tuần này.
Các doanh nghiệp Mỹ đã khởi động mùa báo cáo tài chính với kết quả lạc quan. Trong nhóm doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã công bố, hơn 70% vượt dự báo của Wall Street cả về doanh thu và lợi thuận, theo Bank of America.
"Sự kết hợp giữa chính sách kiềm chế dịch Covid-19 và hỗ trợ kinh tế sẽ kéo tăng trưởng năm nay lên, khuyến khích hoạt động của ngành công nghiệp và giúp lợi nhuận phục hồi trong các quý tới", Lauren Goodwin - nhà kinh tế học tại New York Life Investments cho biết.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/1 phát tín hiệu sẵn sàng điều chỉnh mức đề xuất hỗ trợ cho người dân Mỹ. Trước đó, tân Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch gói kích thích tài khóa trị giá 1,9 ngàn tỷ USD, trong đó bổ sung 1.400 USD trợ cấp cho mỗi người Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Cộng hòa và một số nhà lập pháp Dân chủ nói rằng, quy mô gói cứu trợ mới do ông Biden đưa ra quá lớn.
Trên toàn thế giới, số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt mốc 100 triệu, và hơn 2,15 triệu trường hợp tử vong. Riêng Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới, hiện ghi nhận hơn 25 triệu ca nhiễm và 425.000 người tử vong. Giới chức bang Minnesota đã báo cáo trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của Covid-19 vừa được phát hiện tại Brazil.
Ngoài ra, trong phiên giao dịch, nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng  khi chờ đợi tuyên bố từ Cục Dự trữ Liên bang (FED) sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 26-27/1.
Giới đầu tư dự báo FED có thể có một vài thay đổi trong tuyên bố sau cuộc họp so với cuộc họp chính sách trước đó. Dự kiến, trong buổi họp báo sau khi cuộc họp kết thúc, Chủ tịch FED Jerome Powell có thể đề cập đến vấn đề lạm phát.
Ngày 25/1, cựu Chủ tịch FED Janet Yellen đã được Thượng viện xác nhận, chính thức trở thành nữ Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Tài chính Mỹ./.