Nhận định bi quan về đà phục hồi kinh tế của FED công bố hôm 19/8 đã làm lu mờ thông tin tích cực về mức định giá giá kỷ lục 2.000 tỷ USD vốn hóa của “người khổng lồ” Apple.
Chứng khoán Mỹ quay đầu đi xuống trong phiên 19/8 sau khi FED công bố đánh giá tiêu cực về triển vọng nền kinh tế Mỹ giữa cuộc khủng hoảng dịch Covid-19.
Các chỉ số chính khởi sắc đầu phiên, sau lao dốc ở cuối phiên. Cả S&P 500 và Nasdaq có thời điểm trong phiên giao dịch chạm đỉnh mới tại 3.399 điểm và 11.257 điểm. Riêng Dow Jones hiện vẫn còn kém gần 5% so với đỉnh tháng 2.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi FED đưa ra nhận định bi quan về đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới. |
Chốt phiên giao dịch, S&P 500 mất 0,44% còn 3.374,85 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 85,19 điểm, tương đương 0,3%, kết phiên ở 27.692,88 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,6%, xuống còn 11.146,46 điểm.
Biên bản cuộc họp tháng 7 công bố ngày 19/8 cho thấy các quan chức của FED đã lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ sẽ cần thêm các biện pháp hỗ trợ mới để chống lại cuộc suy thoái do dịch Covid-19 gây ra, khi các biện pháp chi tiêu quan trọng đã hết hạn vào cuối tháng trước.
Trong cuộc họp tháng 7, FED quyết định giữ nguyên lãi suất ở khoảng tối thiểu 0-0,25% vì cho rằng nền kinh tế vẫn rất cần hỗ trợ về tiền tệ.
Chỉ số S&P 500 đang tăng điểm, song ngay lập tức quay đầu đi xuống sau khi FED công bố đánh giá bi quan về kinh tế lớn nhất thế giới. Dow Jones và Nasdaq cũng chuyển từ sắc xanh sang đỏ chỉ vài phút sau bình luận của FED.
Đầu phiên 19/8, các chỉ số chính trên sàn Phố Wall giao dịch khởi sắc nhờ tâm lý nhà đầu tư phấn khích cực khi Apple trở thành công ty đại chúng đầu tiên của Mỹ chạm mức vốn hóa 2.000 tỷ USD. Cổ phiếu Apple tăng giá nhờ kỳ vọng các đại gia công nghệ thành công trong dài hạn hậu Covid-19.
Chỉ trong hai năm, Apple đã nhân đôi vốn hóa của mình. Riêng trong năm 2020, giá cổ phiếu Apple đã tăng gần 60%, giúp đại gia công nghệ này trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính của thị trường chứng khoán Mỹ. Kết thúc phiên 19/8, vốn hóa Apple giảm nhẹ so với đỉnh vừa thiết lập, còn 1.980 tỷ USD.
Trong phiên giao dịch trước đó, chỉ số S&P 500 đã vượt mức đỉnh thiết lập hôm 19/2/2020. Việc S&P 500 lập đỉnh mới còn đánh dấu bước khởi đầu của một giai đoạn thị trường giá lên mạnh mẽ.
Hiện S&P 500 đã phục hồi 54% kể từ mức thấp nhất ghi nhận hôm 23/3. Trong khi đó Nasdaq Composite cũng lập kỷ lục mới khi đóng cửa phiên 18/8.
“Việc chứng khoán Mỹ lập mức cao nhất mọi thời đại mới có thể là một cú tăng tốc nhanh chóng bị lãng quên trong một thị trường giá lên mạnh mẽ, nhà đầu tư sẽ quay trở lại tâm lý thận trọng nếu đà leo dốc này không tiếp tục được duy trì trong những tuần tới” - Jim Paulsen, chiến lược gia đầu tư tại Leuthold Group, nói với CNBC.
Trong tương lai gần, thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều biến động và rủi ro. Số ca nhiễm Covid-19 mới tại Mỹ đang giảm dần nhưng các chuyên gia đang tỏ ra thận trọng khi học sinh sinh viên bắt đầu quay trở lại trường học. Một số trường đại học đã buộc phải chuyển sang dạy trực tuyến hoàn toàn để tránh lây lan virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, gói hỗ trợ mới đối phó dịch Covid-19 trị giá 1.000 tỷ USD vẫn đang bế tắc tại Quốc hội Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin chỉ trích các lãnh đạo đảng Dân chủ không chịu hợp tác để thông qua dự luật trong ngày 18/8. Điểm vướng mắc chính giữa hai đảng hiện nay là quy mô chương trình trợ cấp thất nghiệp.
Tuy nhiên, tờ Politico đưa tin Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết bà sẵn sàng cắt giảm một số yêu cầu để đạt được thỏa thuận về dự luật gói cứu trợ mới./.