Dù Ngoại trưởng Liz Truss hay Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak lên nắm giữ chức Thủ tướng Anh vào tháng 9 này, họ cũng sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc khi lạm phát tăng vọt. Ngân hàng Trung ương cảnh báo, Vương quốc Anh sẽ bước vào một cuộc suy thoái kinh tế dự đoán kéo dài tới hơn một năm.
Có thể nói, đây là một sự kế nhiệm mang đầy tính rủi ro. Lãnh đạo Đảng Bảo thủ đã điều hành nước Anh trong 12 năm qua và người kế nhiệm ông Boris Johnson sẽ phải chịu áp lực rất lớn trong việc tìm cách khắc phục tình trạng bất ổn trong nước, hoặc sẽ có nguy cơ đối mặt với sự phản đối gay gắt từ các cử tri.
Nhiệm vụ trước mắt của thủ tướng mới sẽ là tìm cách giúp người Anh vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến thu nhập thực tế của người dân Anh bị giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 60 năm qua. Lạm phát được dự báo sẽ vượt quá 13% vào tháng 10, trong khi các chi phí sử dụng năng lượng tăng vọt sẽ đẩy hàng triệu người vào tình trạng thiếu thốn trầm trọng về nhiên liệu.
Với việc đảng Bảo thủ xếp sau Công đảng Anh của Keir Starmer trong hầu hết các cuộc khảo sát, viễn cảnh ảm đạm sẽ có tác động lớn trong thời điểm bầu cử. Cuộc bỏ phiếu toàn quốc tiếp theo sẽ đến hạn muộn nhất là vào tháng Một năm 2025, mặc dù các ứng cử năm nay được tranh cử theo một quy định nội bộ mới của đảng, họ vẫn sẽ phải đối mặt với một vấn đề nan giải rằng có nên tìm kiếm sự tín nhiệm từ công chúng hay không.
Việc kêu gọi một cuộc bỏ phiếu nhanh vào mùa thu có thể sẽ nhanh chóng giải quyết các mối họa về kinh tế nước Anh nhưng cũng tiềm tàng nguy cơ sẽ khiến thủ tướng mới phải từ chức khỏi văn phòng chính phủ với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo tại vị trong thời gian ngắn nhất của Anh. Cuộc bầu cử sau đó có thể sẽ đến tay cử tri trong thời kỳ tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và khủng hoảng kinh tế đạt đỉnh điểm.
Ngân hàng Trung ương cho biết, cuộc suy thoái dự kiến sẽ bắt đầu vào quý IV và nền kinh tế sẽ không chứng kiến quý tăng trưởng nào cho đến năm 2024. Tổng mức sụt giảm sẽ vào khoảng 2,1%, tương tự như cuộc suy thoái vào những năm 1990. Trong khi đó, cả bà Truss và ông Sunak có thể sẽ phải đối mặt với những câu hỏi về việc liệu các kế hoạch kinh tế của họ có thể giảm bớt áp lực cho người Anh hay không.
Hai ứng cử viên đối đầu trong một cuộc tranh luận trên truyền hình Sky News hôm thứ Năm, với bà Truss dẫn trước 34 điểm trong số các thành viên đảng Bảo thủ - những người sẽ bỏ phiếu lãnh đạo của họ trong bốn tuần tới.
Những phân tích của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đối với ông Sunak, cựu Bộ trưởng bộ Tài chính Anh, cũng mang những dấu hiệu không mấy tích cực. BOE cho thấy sự can thiệp của chính phủ với một gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ bảng Anh do Sunak soạn thảo vào tháng 5 – sẽ chỉ có những tác động rất hạn chế đối với nền kinh tế ảm đạm của Anh.
Bà Liz Truss đang cam kết sẽ cắt giảm thuế để giảm bớt áp lực chi phí sinh hoạt và hứa hẹn sẽ theo đuổi mạnh mẽ hơn các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, kế hoạch vay thêm của bà để tài trợ cho chi tiêu của chính phủ cũng trở nên tốn kém hơn với việc BOE tăng lãi suất thêm 0,5% - mức tăng lớn nhất trong 27 năm - lên 1,75% và báo hiệu sự sẵn sàng tăng cao hơn nếu cần thiết. Ngân hàng Trung ương cũng đang gỡ bỏ chương trình nới lỏng định lượng, tạo ra thêm nhiều áp lực với chi phí đi vay.
Bà Truss cho biết thông báo của ngân hàng càng khiến cho cách tiếp cận của bà thêm hợp lí và bà sẽ sử dụng ngân sách khẩn cấp nhằm "đưa nền kinh tế của chúng ta phát triển hơn". Tuy vậy, ông Sunak cho biết việc tăng nợ sẽ gây áp lực tăng lãi suất sẽ tạo ra nhiều cơn đau đầu hơn cho các chủ sở hữu thế chấp và còn thúc đẩy sự tăng vọt về giá cả.
Sau khi Ngân hàng Trung ương Anh vạch trần những thực tế mà nhà lãnh đạo tiếp theo của Anh phải đối mặt, liệu ông Sunak có thể bắt kịp vị trí dẫn đầu của bà Truss hay không phần lớn phụ thuộc vào ứng cử viên mà các cử tri đảng Bảo thủ tin tưởng để xoay chuyển nền kinh tế.
"Ngân hàng Trung ương đã hành động ngay từ bây giờ và điều bắt buộc là dù bất kỳ chính phủ nào trong tương lai cũng sẽ phải kiểm soát lạm phát, chứ không phải làm trầm trọng thêm nó," ông Sunak nói. "Với tư cách là thủ tướng, tôi sẽ ưu tiên kiềm chế lạm phát, phát triển nền kinh tế và sau đó là cắt giảm thuế."