Giữ đà tăng trưởng cho xuất khẩu gạo

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nhu cầu lương thực tại nhiều quốc gia tăng mạnh, Việt Nam đang tận dụng lợi thế để khai thác hiệu quả kinh tế ngành hàng lúa gạo. Xuất khẩu gạo liên tục tăng cả về sản lượng và giá trị.

Cả nước đã xuất khẩu gần 4,2 triệu tấn gạo trong 5 tháng qua của năm 2024.
Cả nước đã xuất khẩu gần 4,2 triệu tấn gạo trong 5 tháng qua của năm 2024.

Vẫn còn dư địa xuất khẩu

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng qua của năm 2024, cả nước đã xuất khẩu được gần 4,2 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 2,7 tỷ USD, tăng gần 15% về lượng và tăng tới 38% về giá trị.

Tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam đến từ việc khai tốt thị trường nhập khẩu Philippines. Từ đầu năm 2024 đến nay, quốc gia vùng Đông Nam Á này tăng sản lượng tiêu thụ gạo nước ta lên 1 triệu tấn và nhiều khả năng năm nay sẽ vượt mốc 4 triệu tấn.

Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (chi nhánh Cần Thơ) Nguyễn Phương Lam cho biết, từ năm 2023 đến nay, Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới đã hạn chế, gần như là cấm xuất khẩu gạo tẻ. Ở chiều ngược lại, đây lại là lợi thế lớn cho Việt Nam trong việc đàm phán cũng như thúc đẩy gia tăng giá trị hạt gạo.

Theo đánh giá, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường hiện nay vẫn ở mức cao. Trong khi Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng, thì tại nhiều quốc gia khác như Indonesia, Philippines, Malaysia, sản lượng sản xuất giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bộ NN&PTNT cho biết, lượng lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 hiện còn khoảng 3 triệu tấn (tương đương 2 triệu tấn gạo). Với sản lượng còn lại cùng với nguồn nhập khẩu, dự báo 6 tháng của năm 2024, xuất khẩu gạo có thể đạt khoảng 4,5 triệu tấn.

Liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp và người nông dân trồng lúa vẫn còn nhiều khó khăn.
Liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp và người nông dân trồng lúa vẫn còn nhiều khó khăn.

Tiếp tục đẩy mạnh liên kết chuỗi

Xuất khẩu gạo tăng trưởng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, để có thể duy trì tăng trưởng xuất khẩu gạo một cách hiệu quả, bền vững, việc đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là rất cần thiết. Dù vậy, đây lại là vấn đề còn nhiều khó khăn trong thực tế.

Giám đốc Công ty TNHH Cỏ may (Đồng Tháp) Đinh Minh Tâm cho biết, doanh nghiệp có liên kết với bà con nông dân xây dựng vùng nguyên liệu lúa tôm, lúa tôm sinh thái… Trước đây giá gạo trong nước đi ngang và ít biến động, việc mua bán giữa doanh nghiệp và người dân diễn ra khá thuận lợi.

Tuy nhiên, từ tháng 8/2023 đến nay, giá gạo nội địa liên tục biến động khiến doanh nghiệp không tính toán được tương lai. Hợp đồng đã được ký với khách hàng từ trước, song khi giá gạo liên tục tăng, doanh nghiệp sẽ phải mua gạo vào với mức giá cao.

Nhiều doanh nghiệp cũng gặp trường hợp tương tự Công ty TNHH Cỏ may. Giá mua vào tăng nhưng doanh nghiệp lại không thể tăng giá, bởi nếu tăng giá sẽ mất khách hàng, mất thị trường.

Theo đó, cần quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu. Bắt đầu từ việc hợp tác động viên người nông dân chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp, để người dân có lãi và doanh nghiệp có hàng. Từ đó, doanh nghiệp có thể mạnh dạn để đầu tư và phát triển bền vững vùng nguyên liệu.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, để thúc đẩy phát triển bền vững xuất khẩu gạo, bên cạnh đẩy mạnh liên kết chuỗi, cần tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ chất lượng gạo xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Trong đó, đặc biệt lưu ý các vấn đề về an toàn thực phẩm do các thị trường ngày càng siết chặt các quy định đối với sản phẩm nhập khẩu (Trung Quốc, Philippines). 

Về phía Bộ NN&PTNT, sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ ngành nghiên cứu tìm kiếm nhằm đa dạng hóa thị trường, tránh để lệ thuộc vào một thị trường. Tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thế hệ mới mang lại tại các khu vực, thị trường mới như châu Mỹ (Peru, Mexico), EU...  

Bộ NN&PTNT cũng sẽ tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, địa phương, hiệp hội và thương nhân trong việc tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường lương thực thế giới.