Phát biểu tại hội trường công đoàn Philadelphia, bang Pennsylvania, Tổng thống đảng Dân chủ đã thách thức các đối thủ đảng Cộng hòa về cuộc tranh luận tài chính đang nóng lên, nhấn mạnh kế hoạch cắt giảm thâm hụt gần 3 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới thông qua việc tăng thuế đối với những người kiếm được hơn 400.000 USD/năm.
Nhìn chung, đề xuất ngân sách này được cho sẽ tăng chi tiêu liên bang trong vòng 12 tháng, bắt đầu từ tháng 10/2023, lên 6,8 nghìn tỷ USD từ mức 6,2 nghìn tỷ USD dự kiến sẽ được chi tiêu trong năm tài chính hiện tại.
Đề xuất ngân sách của ông Biden ngay lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà lập pháp đảng Cộng hòa - những người đã giành quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11/2022, khó có thể được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, kế hoạch được cho là một tuyên bố chính trị thách thức trực tiếp đối với lời đe dọa của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, về việc sẽ không tăng giới hạn trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD trừ khi ông Biden đồng ý kiềm chế chi tiêu liên bang. Khi được hỏi về các lĩnh vực có thể thỏa hiệp với đảng Cộng hòa, Tổng thống Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng: "Chúng tôi chờ xem ngân sách đề xuất của họ là bao nhiêu".
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đang tìm cách tài trợ cho chi tiêu cao hơn và thu hẹp thâm hụt bằng cách áp thuế tối thiểu 25% đối với các tỷ phú, và tăng gần gấp đôi thuế lãi vốn từ 20%. Ông cũng muốn tăng gấp 4 lần thuế mua lại cổ phiếu 1% - có khả năng trái ý với một số nhà đầu tư mà Biden sẽ cần kêu gọi để tài trợ cho bất kỳ chiến dịch tái tranh cử nào vào năm 2024.
Ngoài ra, các đề xuất ngân sách của Tổng thống Biden thể hiện phạm vi quyền lực của Chính phủ liên bang trong việc giải quyết nhiều vấn đề lớn. Ông đã yêu cầu chi 886 tỷ USD cho quốc phòng - tăng 3,2% so với con số được ban hành cho năm tài chính 2023 - với mục tiêu để ngăn chặn Trung Quốc và Nga; mở rộng trợ cấp chăm sóc sức khỏe cho dân số già của đất nước đồng thời tài trợ cho nghiên cứu ung thư để giảm tỷ lệ tử vong do căn bệnh này xuống một nửa; hỗ trợ trả trước cho những người mua nhà lần đầu, cải thiện an toàn đường sắt sau những vụ tai nạn gần đây; và đảm bảo trường mầm non cho tất cả 4 triệu trẻ em bốn tuổi của đất nước.
Theo Reuters, gác thông điệp chính trị sang một bên, đề xuất ngân sách của Biden cho thấy rõ một quan điểm là dân số Mỹ đang già đi, đồng nghĩa với việc chi tiêu bắt buộc cho các chương trình xã hội sẽ tiếp tục là lực cản trong dài hạn. Điều tra dân số Hoa Kỳ đã dự đoán, 1/5 người Mỹ sẽ đến tuổi nghỉ hưu hoặc lớn hơn vào năm 2030.
Ngân sách dự kiến thâm hụt hơn 1 nghìn tỷ đô la mỗi năm trong 10 năm tới, ngay cả khi Biden nhận được yêu cầu về thuế cao hơn và các biện pháp cắt giảm chi phí. Tổng nợ của Mỹ qua đó sẽ tăng lên gần 110% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm vào năm 2033, một con số sánh ngang với mức cao nhất trong thời kỳ huy động của đất nước cho Thế chiến II.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện McCarthy và các đảng viên Cộng hòa khác mô tả kế hoạch ngân sách của ông Biden là "liều lĩnh", "tăng gấp đôi so với chính sách chi tiêu của phe Cánh tả đã dẫn đến lạm phát kỷ lục và cuộc khủng hoảng nợ hiện tại của chúng ta" - ông McCarthy nói trong một tuyên bố hôm 9/3.
Đảng Cộng hòa được cho đã chuẩn bị cắt giảm ít nhất 150 tỷ USD cho các chương trình tùy ý phi quốc phòng, bao gồm khoảng 25 tỷ USD từ Bộ Giáo dục và cắt giảm viện trợ nước ngoài, cùng các chương trình nhằm ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Họ nói rằng điều đó sẽ tiết kiệm được 1,5 nghìn tỷ USD trong một thập kỷ.
Ủy ban Ngân sách Liên bang có trách nhiệm, một tổ chức tư vấn phi đảng phái ở Washington, cho biết đề xuất của Tổng thống Biden xứng đáng được ghi nhận vì đã đưa ra 3 nghìn tỷ USD giảm thâm hụt, tuy nhiên lại đi kèm với "quá nhiều đề xuất tốn kém".