Gõ cửa thị trường Mỹ, SUNHOUSE “cháy hàng” trên Amazon

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ chiếm lĩnh trên thị trường trong nước, thương hiệu SUNHOUSE của Shark Nguyễn Xuân Phú còn vươn mình ra biển lớn với việc xuất khẩu tới 18 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản… với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.

Điều đó khẳng định bản lĩnh, chiến lược của SUNHOUSE với thương hiệu Việt trên bản đồ thế giới.

Căn bếp phủ kín

22 năm có mặt trên thị trường gia dụng Việt Nam, SUNHOUSE là thương hiệu quen thuộc với mọi người nội trợ, trong từng bữa cơm gia đình... Bắt nguồn từ những chiếc chảo chống dính, sản phẩm SUNHOUSE hiện đã phủ kín căn bếp với những nồi cơm điện, bếp điện bếp gas, máy lọc nước... Thậm chí, những năm gần đây, SUNHOUSE còn mạnh dạn lấn sân các nhóm sản phẩm điện tử lớn như: Điều hòa không khí, tủ đông, tủ mát… hướng tới phục vụ nhu cầu của mọi gia đình.

Giới thiệu với khách hàng trong và ngoài nước về các sản phẩm SUNHOUSE tại triển lãm. Ảnh: Hoàng Anh
Giới thiệu với khách hàng trong và ngoài nước về các sản phẩm SUNHOUSE tại triển lãm. Ảnh: Hoàng Anh

SUNHOUSE tự hào là DN duy nhất trong lĩnh vực gia dụng được chứng nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam; đại diện cho chất lượng, uy tín, thương hiệu Việt Nam khi mang các sản phẩm gia dụng ra với quốc tế. Để đạt được thành tựu này, SUNHOUSE đã nỗ lực không ngừng để có thể chủ động quản trị chất lượng sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra.

Hệ thống 10 nhà máy từ Bắc vào Nam của SUNHOUSE hiện đang sản xuất hàng chục triệu sản phẩm gia dụng mỗi năm, nhiều sản phẩm chiếm lĩnh từ 20 - 30% thị phần trong nước như chảo chống dính, nồi inox, nồi cơm điện, máy lọc nước… Toàn bộ quy trình từ khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm, sản xuất, phân phối, dịch vụ sau bán hàng đều được SUNHOUSE chuẩn hóa.

Vững vàng “ra khơi”

Sớm nhận thấy cơ hội tiếp cận khách hàng ở các quốc gia lân cận, có cùng chung nét văn hóa về lối sống, ẩm thực, con người, từ năm 2015, SUNHOUSE đã xuất khẩu sản phẩm gia dụng sang Myanamar, Malaysia, Indonesia, Lào… Ngay sau đó, liên tục các thị trường mới được “khai phá” như Ấn Độ, Nga, Nhật Bản...

Bước đột phá trong hoạt động xuất khẩu của SUNHOUSE phải tính đến năm 2019, khi DN khai trương nhà máy SUNHOUSE Lighting với sản phẩm chủ đạo là đèn LED xuất khẩu Mỹ. “LED chuẩn xuất Mỹ” là thông điệp đầy tự hào của DN khi trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao đủ tiêu chuẩn quốc tế. Trên diện tích 7.500m2, nhà máy bóng đèn SUNHOUSE hoạt động với 4 dây chuyền sản xuất khép kín theo công nghệ châu Âu, công suất tối đa ước tính đạt hơn 1,5 triệu sản phẩm mỗi năm.

Đến năm 2021, ngay giữa những ngày đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của cả thế giới, SUNHOUSE nhanh chóng “đón sóng” dịch chuyển và đưa vào hoạt động Nhà máy Nồi chiên không dầu xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ. Để chuẩn bị cho dự án, SUNHOUSE đã đầu tư hệ thống nhà xưởng với trang thiết bị máy móc hiện đại, quy mô lên tới 8.000m2.

Toàn bộ hệ thống máy móc, đánh giá chất lượng sản phẩm đều được nhập khẩu mới để phục vụ riêng cho dư án. Ước tính sơ bộ, tổng đầu tư cho máy móc, con người, nhà xưởng… tại giai đoạn này khoảng 5 triệu USD.

Các sản phẩm được xuất xưởng cần đáp ứng được các bài test chất lượng theo yêu cầu từ QC, PSI của đối tác mà còn cần có đầy đủ các chứng nhận theo yêu cầu của cơ quan chức năng của Mỹ như: CSA, RoHs, UL, Reach… Trong đó, UL là chứng chỉ rất quan trọng cho các sản phẩm điện gia dụng để có thể xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Ngoài bán hàng online, DN cũng nhanh chóng tiếp cận khách hàng quốc tế thông qua việc “lên sàn” tại các trang thương mại điện tử quốc tế lớn, tiêu biểu nhất là Amazon, Alibaba. SUNHOUSE nhanh chóng ghi dấu ấn khi “cháy hàng” ngay khi vừa công bố gian hàng trên Amazon Mỹ. Đây là tín hiệu tích cực cho DN khi tiếp cận các kênh bán hàng mới.

Chiến lược đột phá của “ông lớn”

“Trái ngọt” từ sự nhanh nhạy và quyết đoán, doanh thu xuất khẩu năm 2021 của SUNHOUSE đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, chiếm 1/5 tổng doanh thu tập đoàn. Dù kết quả kinh doanh trong nước có chững lại do giãn cách xã hội nhưng nhờ hoạt động xuất khẩu tăng trưởng vượt mức kỳ vọng, SUNHOUSE vẫn giữ vững tăng trưởng 25%/năm. Tính đến năm 2022, SUNHOUSE đã xuất khẩu tới 18 quốc gia và vẫn tiếp tục mở rộng các cơ hội hợp tác.

“SUNHOUSE đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu năm 2022 đạt 1.500 tỷ đồng, tức tăng trưởng gần 30%, góp 1/3 vào doanh thu tổng của Tập đoàn” - Giám đốc Kinh doanh toàn quốc Tập đoàn Vũ Thanh Hải chia sẻ.

Nếu chiến lược “bình dân hóa” đã giúp DN này chiếm lĩnh thị trường trong nước thì chiến lược tập trung vào chất lượng chính là chìa khóa để chinh phục thị trường quốc tế. Nhờ việc xây dựng được các nhà máy đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, đội ngũ SUNHOUSE được tiếp cận với các quy trình chuẩn quốc tế, các yêu cầu về chất lượng làm sao đáp ứng thị trường nghiêm khắc bậc nhất, từ đó, việc tiếp cận các đối tác nước ngoài đã dễ dàng hơn rất nhiều.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần