Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Gỡ nút thắt trong đầu tư hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh] Bài 2: Giải phóng mặt bằng, khó do đâu?

TS Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã có tín hiệu từ Thủ tướng Chính phủ là sắp tới TP Hồ Chí Minh được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho địa phương từ mức hiện tại 18% lên 23%, kỳ vọng đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn sẽ bứt tốc. Nhưng khoan vội mừng, nếu bài toán vướng mặt bằng chưa có lời giải thì tăng ngân sách giữ lại đó không có tác dụng nhiều.

Hiện trường thi công cầu Phước Long
Xây dựng giá đất đền bù trong phòng lạnh?
Ách tắc trong đầu tư công trình giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân số một là giải phóng mặt bằng chứ không phải thiếu vốn đầu tư. Thiếu vốn đầu tư là nguyên nhân số hai, tiếp đến là trách nhiệm quản lý và quy hoạch giao thông đô thị có vấn đề cũng không kém phần quan trọng. Thử hỏi có vốn bố trí cho dự án rồi nhưng mặt bằng chưa sẵn sàng thì làm sao thi công được? Hoặc thi công dở dang do vướng mặt bằng thì càng tệ hơn, kêu thiếu vốn đầu tư nhưng vốn bị chôn trong các công trình dở dang.

Ngày 9/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 27 cho phép TP Hồ Chí Minh áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn. Thực hiện Nghị quyết 27 của Chính phủ, mới đây, TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định quy định về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi trong năm 2021. Giá đất thu hồi (T1) được xác định bằng cách lấy hệ số K nhân với giá đất trong bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024. Giá đất T1 sau khi niêm yết công khai nếu người dân bị thu hồi đất đồng ý thì đó là giá đất cụ thể đền bù.

Tuy nhiên, người dân sẽ khó mà đồng ý nhận tiền đền bù theo mức giá T1 vì cách ngồi trong phòng lạnh xây dựng giá đất thu hồi hết sức bất hợp lý. Chẳng hạn, giá đất đền bù cho các hộ dân thuộc dự án xây cầu Phước Long, đường Phạm Hữu Lầu nối quận 7 và huyện Nhà Bè hiện đang triển khai. Hệ số K huyện Nhà Bè là 8, hệ số K quận 7 là 4,5. Giá đất mặt tiền đường Phạm Hữu Lầu theo bảng giá đất phía Nhà Bè là 3,6 triệu đồng, phía quận 7 là 4,8 triệu đồng. Như vậy, giá T1 phía huyện Nhà Bè sẽ là 28,8 triệu đồng/m2 ( 8 x 3,6 triệu đồng), trong khi phía quận 7 chỉ ở mức giá 21,6 triệu đồng/m2 (4,5 x 4,8 triệu đồng).

Khảo sát giá đất thực tế mặt tiền đường Phạm Hữu Lầu phía quận 7 hiện nay ở mức từ 130 – 170 triệu đồng/m2 tùy vị trí, còn phía huyện Nhà Bè chỉ mức 65 – 85 triệu đồng/m2. Tại sao đất ở vị trí có giá thực tế cao gấp hơn 2 lần lại tính giá đền bù thấp hơn? Sơ đẳng ai cũng nhìn ra giá đất mặt tiền trên cùng con đường liên quận, huyện thì bao giờ vị trí đất phía quận sẽ có giá cao hơn. Không hiểu giá đất T (một) được xác định từ hệ số K đó người dân phải cò cưa với chính quyền thời gian bao lâu và nếu “chốt” được sẽ là T (mấy)? Sự kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng dự án giao thông do người dân hay do ai?

Cầu thi công 2 năm nhưng hộ dân bị ảnh hưởng mới biết lơ mơ

Chỉ tính trên địa bàn huyện Nhà Bè thời gian qua có 4 dự án xây cầu triển khai thì cả 4 dự án đều vướng mặt bằng đền bù phải kéo dài nhiều năm. Điển hình như dự án cầu Long Kiển sau 20 năm vẫn chưa biết khi nào hoàn thành, cầu Phước Lộc kéo dài 8 năm, cầu rạch Cây Khô và cầu Phước Long đã trở thành những cây “cầu treo”. Riêng dự án cầu Phước Long có vốn đầu tư dự kiến là 398 tỷ đồng, thiết kế 8 trụ cầu và 2 hố móng đầu cầu. Cầu Phước Long nhà thầu tổ chức thi công từ tháng 4/2019 đến nay đã đổ xong 3 trụ cầu và lao dầm bê tông hoàn chỉnh 2 nhịp cầu. Do không được giao mặt bằng nên nhà thầu đã rút toàn bộ khỏi hiện trường từ đầu năm 2021.

Sau hơn 2 năm cây cầu Phước Long được tổ chức thi công, đa số hộ dân bị ảnh hưởng hai phía đầu cầu chỉ biết lơ mơ, thậm chí có hộ chưa biết gì thông tin xây cầu, chính sách giải tỏa đền bù và thời gian nào tiến hành. Tuy nhiên đến nay, phần lớn các hộ bị ảnh hưởng phía quận 7 đã được vạch chỉ giới mặt bằng, riêng hộ ông Ba Cẳng vị trí sát mố cầu hiện tại chưa được cắm mốc chỉ giới và khi được hỏi ông này vẫn trả lời chưa biết gì về chuyện xây cầu. Đây là hộ dân có khoảng 500m2 đất, nhà sẽ nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng cầu Phước Long. Qua khảo sát thực tế cho thấy phía quận 7 có 17 hộ dân và một dự án mặt tiền khoảng 50m thuộc diện đền bù giải tỏa.

Còn phía huyện Nhà Bè, đến nay, vẫn nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi cầu Phước Long chưa được cắm mốc chỉ giới mặt bằng. Do thông tin xây cầu hạn chế, cán bộ thanh tra và chính quyền sở tại thả lỏng nên không ít hộ dân ngang nhiên xây cất công trình trên phần đất sẽ bị thu hồi. Chẳng hạn, có hộ dân xây dựng cổng và công trình bảo vệ bao quanh lâu đài cao từ 4 - 5m có giá ước tính hàng tỷ đồng hoàn toàn trên phần đất 164,1m2 sẽ bị thu hồi (theo bản vẽ thi công) nhưng chính quyền không hề nhắc nhở, ngăn chặn. Thử hỏi Nhà nước vận dụng chính sách gì để đền bù công trình này?

Theo thông tin mới đây từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh, hiện đơn vị này đang triển khai 75 dự án thì có 28 dự án chờ mặt bằng và 29 dự án đang thi công nhưng vướng mặt bằng, tổng cộng chiếm 76%. Các dự án giao thông do Sở GTVT và chủ đầu tư khác triển khai đều trong tình trạng chung đó. Vấn đề đáng quan tâm ở đây là tại sao để xảy ra tình trạng quyết định xây cầu rồi nhưng mặt bằng thi công chưa chuẩn bị? Tại sao cầu thi công lâu rồi nhưng mặt bằng chưa đền bù, bàn giao? Phải chăng TP Hồ Chí Minh đang thực hiện quy trình ngược trong triển khai đầu tư công trình giao thông đô thị? Toàn bộ vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng chính quyền thường muốn đổ lỗi cho người dân không hợp tác nhưng không muốn nhìn nhận sự chưa hợp tác do lỗi của ai.

Kinh nghiệm nhiều quốc gia có giao thông đô thị hiện đại đều cho thấy, để đầu tư một dự án giao thông thì công việc giải phóng mặt bằng đặc biệt quan trọng, phải triển khai trước nhiều năm. Thực tế thời gian thi công xây dựng công trình không nhiều mà thời gian chủ yếu là trong khâu chuẩn bị mặt bằng. Không chuẩn bị được mặt bằng để dự án phải chờ đợi hoặc giải phóng mặt bằng không kịp tiến độ thi công xây dựng sẽ gây hệ lụy làm tăng tổng mức đầu tư, ảnh hưởng môi trường và cuộc sống người dân, chất lượng và tuổi thọ công trình. Khi tổng mức đầu tư thay đổi, chủ đầu tư phải chuẩn bị lại từ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư càng làm cho dự án kéo dài thêm.q

(Còn nữa)