Gói trừng phạt thứ 10 của EU nhắm vào ngành công nghiệp hạt nhân của Nga?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc cân nhắc đưa lãnh đạo Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Rosatom vào danh sách đen như là bước đầu tiên của gói trừng phạt.

Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh, Nga. Ảnh: AFP
Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh, Nga. Ảnh: AFP

Hôm 13/1, Reuters dẫn nguồn tin cho hay, Ba Lan và Litva muốn hạ giá trần đối với dầu của Nga và nhắm mục tiêu vào lĩnh vực hạt nhân nước này trong danh sách lệnh trừng phạt mới của Liên minh Châu Âu (EU) đối với Moscow.

Ba Lan và Litva đang hối thúc EU áp các hạn chế đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga như một phần trong gói trừng phạt thứ 10 đối với Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Theo Reuters, EU đang cân nhắc đề xuất đưa lãnh đạo Rosatom vào danh sách đen như một bước đầu tiên mà sau đó sẽ dẫn đến việc cắt giảm sự hợp tác của khối với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga.

Chính quyền Kiev đã nhiều lần hối thúc EU áp các biện pháp trừng phạt đối với tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom, nhưng động thái này đã bị Hungary và các thành viên EU khác phản đối.

Trong gói trừng phạt thứ 10 đang được đề xuất, EU cũng sẽ bổ sung kim cương vào danh sách cấm xuất khẩu và mở rộng lệnh cấm buôn bán hàng hóa có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Nội dung Ba Lan và Litva đề xuất lên EU cũng bao gồm việc khối này cấm thêm các cơ quan truyền thông của Nga và loại thêm nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng toàn cầu SWIFT.

"Ngày càng khó đạt được đồng thuận ở EU để áp thêm các biện pháp trừng phạt Nga. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đề xuất một gói mới đầy tham vọng" - Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao cho hay.

Gói trừng phạt thứ 10 của EU với Nga sẽ được công bố dịp kỷ niệm một năm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Tháng trước, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Nga, bao gồm việc hạn chế xuất khẩu động cơ máy bay không người lái (UAV) sang Nga hoặc các nước định cung cấp vũ khí cho Moscow. Một số công nghệ hàng không vũ trụ cũng bị cấm xuất khẩu cho Nga...

Chỉ còn 1 tháng nữa mức trần giá khí đốt là 180 euro/MWh được EU thống nhất áp dụng cuối năm 2022 sẽ chính thức có hiệu lực. Mức giới hạn này dự kiến sẽ kéo dài trong một năm và được kích hoạt khi giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan, được xem là tiêu chuẩn châu Âu, vượt quá con số trên trong 3 ngày liên tiếp.

Nga đã lên án các biện pháp trừng phạt của EU và bác bỏ tác động của các lệnh này lên Moscow.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/1 tuyên bố các biện pháp trừng phạt và áp lực quốc tế đã không thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga.

Tổng thống Nga cho biết vẫn còn nhiều việc cần phải làm để đảm bảo “hoàn toàn độc lập, chủ quyền của Nga bất chấp mọi áp lực và mối đe dọa từ bên ngoài”.

Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh cần nhiều nỗ lực hơn nhằm cung cấp cho các lực lượng Nga tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine. Ông nói thêm rằng Nga nên mở rộng năng lực công nghệ, khuyến khích tạo ra các ngành công nghiệp và làm việc mới, củng cố lĩnh vực tài chính, nông nghiệp và một số lĩnh vực kinh tế khác.