Hà Đông phát triển kinh tế làng nghề theo hướng hiện đại

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế làng nghề đang mang lại thu nhập khá cao cho nhiều hộ gia đình ở Hà Đông. Sau khi dịch bệnh Covid-19 tạm lắng, quận Hà Đông đã tập trung giải pháp phát triển kinh tế làng nghề theo hướng hiện đại.

Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan (áo sẫm) đang giới thiệu sản phẩm lụa tơ tằm với khách hàng. Ảnh: Bích Hời
Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan (áo sẫm) đang giới thiệu sản phẩm lụa tơ tằm với khách hàng. Ảnh: Bích Hời

Làm nghề từ cái tâm

Hà Đông hiện có 3 làng vẫn giữ được nghề và đang phát triển, đó là Lụa Vạn Phúc (Vạn Phúc), Mộc Thượng Mạo (Phú Lương) và Rèn Đa Sỹ (Kiến Hưng). Ghi nhận của phóng viên ở 3 làng nghề kể trên, sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, nhiều hộ gia đình vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, với những nghệ nhân làng nghề (NNLN) họ vẫn đau đáu một điều là giữ nghề và phát triển làng nghề ngày càng hiện đại, với chất lượng sản phẩm cao hơn.

Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan, chủ cơ sở sản xuất lụa cao cấp Lan Sơn Silk, chia sẻ: ‘Sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, cơ sở sản xuất nào cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng hoá chúng tôi làm ra không bán được, nhưng nhân công vẫn phải giữ. Tơ và nguyên liệu nhuộm tăng giá rất cao. Trong khi đó, giá bán hàng chưa thể tăng, bởi khách mới quay lại mua sắm phải giữ ổn định. Duy trì được nghề và tiếp tục phát triển, đòi hỏi các NNLG phải rất yêu nghề. Tôi rất hy vọng khi nền kinh tế mở cửa, lưu thông hàng hoá tốt, hỗ trợ cho làng Lụa Vạn Phúc phát triển mạnh hơn”.

Ở làng nghề Rèn Đa Sỹ, các lò rèn vẫn luôn đỏ lửa. Tiếng búa, tiếng đe vang lên khắp các xóm ngõ. NNLN Việt Nam và Hà Nội Lê Xuân Hùng có gần 40 năm làm nghề, cho biết: “Để có được sản phẩm rèn chất lượng, giữ uy tín với khách hàng, chúng tôi phải lựa chọn thép đầu vào tốt. Người nghệ nhân phải yêu nghề, làm nghề bằng cả cái tâm, ham học hỏi từ các thành viên trong Hiệp hội làng nghề (HHLN) , tìm hiểu các kỹ năng, mẫu mã trên mạng xem nghệ nhân nước ngoài rèn thế nào để tự nâng cao tay nghề, mới giữ được nghề”.

Việc giữ nghề truyền thống và phát triển còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương và các HHLN. Chủ tịch HHLN Rèn Đa Sỹ Hoàng Quốc Chính chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền với các hội viên, muốn tồn tại được nghề, phải nâng cao tay nghề, chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm thì mới cạnh tranh được trên thị trường. Sau dịch bệnh Covid-19, làng nghề đã có khoảng 10 cơ sở thu gom sản phẩm chuyển vào miền Nam và xuất sang các nước lân cận như Campuchia, Lào…”.

Ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất

Thời gian qua, được sự quan tâm của Quận ủy, UBND quận Hà Đông, những người làm nghề ở các làng nghề đã thường xuyên được đào tạo nâng cao tay nghề, hỗ trợ đầu tư công nghệ, máy móc tiên tiến vào sản xuất. Nếu như làng nghề Mộc Thượng Mạo đầu tư các trang thiết bị máy móc hiện đại vào thiết kế, đục đẽo hoa văn trên gỗ thì làng Lụa Vạn Phúc đầu tư vào nâng cao chất lượng dệt vải, thiết kế các mẫu mã quần áo thời trang bắt kịp xu hướng của thị trường. Đặc biệt, dịch bệnh đã giúp các cơ sở SXKD làm quen với công nghệ 4.0, đẩy mạnh bán hàng online.

Ở làng nghề Rèn Đa Sỹ, nhiều máy móc mới, hiện đại cũng được đầu tư mạnh. Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng – Trịnh Quốc Ân, cho biết: “UBND phường phối hợp với Ngân hàng CSXH quận tạo điều kiện thuận lợi cho hộ vay vốn, tập trung đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chú trong xây dựng thương hiệu nghề Rèn Đa Sỹ. 2 năm dịch bệnh Covid-19, nhưng các nghệ nhân, người thợ vẫn duy trì tốt hoạt động làng nghề”.

Cùng với đó, quận Hà Đông đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho các làng nghề. “Quận Hà Đông đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho các làng nghề như hướng dẫn tham gia chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm. Đẩy mạnh chương trình quảng bá, giới thiệu, sản phẩm làng nghề tại các hội trợ, triển lãm. Thực hiện Chương trình phát triển trí tuệ của TP, đăng ký sở hữu nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề. Trong năm nay, quận thực hiện đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 2 làng nghề là Lụa Vạn Phúc và Rèn Đa Sỹ”. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Việt Long - Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông.

Các làng nghề đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở Hà Đông, với mức trên dưới chục triệu đồng/người/tháng. Những nghệ nhân, thợ giỏi có khi đạt thu nhập trên 30 triệu đồng/người/tháng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần