Hà Nội: Cá nheo du nhập từ Mỹ mở hướng phát triển kinh tế mới

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu được nuôi thử nghiệm tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), giống cá nheo du nhập từ Mỹ đang cho thấy sự phù hợp nhất định. Đây được xem là hướng phát triển kinh tế nông thôn mới giàu tiềm năng.

5 tháng trước, với sự tư vấn, hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Sóc Sơn, ông Nguyễn Văn Phong ở thôn Yêm (xã Đông Xuân) bắt tay vào nuôi thử nghiệm cá nheo Mỹ. Trên diện tích lồng khoảng 5.000m3, ông Phong lắp đặt 4 lồng nuôi, với diện tích trung bình hơn 1.200m3/lồng.

Lần đầu nuôi cá nheo Mỹ, gia đình ông Phong được Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ 50% chi phí về giống và thức ăn. Bên cạnh đó, hộ ông Phong cũng được hỗ trợ 100% chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi trong suốt quá trình thử nghiệm.

Cá nheo Mỹ được nuôi thử nghiệm tại huyện Sóc Sơn sinh trưởng, phát triển tốt.
Cá nheo Mỹ được nuôi thử nghiệm tại huyện Sóc Sơn sinh trưởng, phát triển tốt.

“Hiện nay, đàn cá nheo Mỹ đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tỷ lệ sống theo đánh giá đạt trên 90%. Cá giống từ 0,35kg/con nay đã nặng khoảng 1,5kg/con. Nhìn chung là cá dễ nuôi, ít bị nhiễm bệnh…” – ông Phong chia sẻ.

Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sóc Sơn Nguyễn Bá Giang cho biết, đây là lần đầu tiên cá nheo Mỹ được đưa về nuôi thử nghiệm trên địa bàn huyện. Kết quả thử nghiệm tại hộ ông Phong cho thấy tiềm năng khá lớn từ loài cá du nhập từ Mỹ này.

“Đây là loài cá có khả năng thích nghi với môi trường khắc nghiệt. Là loài cá nước ngọt nhưng cá nheo Mỹ vẫn sống khoẻ mạnh ở môi trường nước lợ, nơi có độ mặn thấp. Kết quả nuôi tại một số tỉnh thành cho thấy cá bắt mồi, sinh trưởng và kháng bệnh tốt…” – ông Nguyễn Bá Giang chia sẻ.

Cá nheo Mỹ có thể là hướng phát triển kinh tế mới tại khu vực nông thôn.
Cá nheo Mỹ có thể là hướng phát triển kinh tế mới tại khu vực nông thôn.

Dù vậy, thời gian nuôi cá nheo Mỹ theo đánh giá là kéo dài hơn so với một số loại thuỷ sản thông thường. Thêm nữa, cá nheo Mỹ đòi hỏi chất lượng nguồn nước cao, và sẽ cho năng suất tốt hơn nếu được nuôi thả ở nơi có dòng nước lưu chuyển liên tục.

“Một chu kỳ nuôi cá nheo Mỹ kéo dài từ 14 – 18 tháng, trong khi các loại thuỷ sản khác thường chỉ kéo dài hơn 6 tháng. Tuy nhiên, cá nheo Mỹ cho giá trị kinh tế cao gấp từ 2,5 - 3 lần so với một số giống cá phổ biến hiện nay…” – ông Nguyễn Bá Giang cho biết thêm.

Cũng theo đại diện Trạm Khuyến nông huyện Sóc Sơn, mô hình nuôi cá nheo Mỹ giúp hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường ao nuôi, hạn chế được việc sử dụng thuốc, hoá chất trong nuôi trồng, góp phần tạo ra những sản phẩm thuỷ sản an toàn. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá mô hình thử nghiệm tại xã Đông Xuân, đơn vị sẽ nghiên cứu, đánh giá để xem xét nhân rộng mô hình nhằm đa dạng loại hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân huyện Sóc Sơn. 

 

Cá nheo Mỹ thuộc chi Ictalorus, là loài cá bản địa của châu Mỹ. Loài cá này được du nhập vào Việt Nam từ những năm 2010. Đây là loài cá có giá trị dinh dưỡng cao; thịt cá thơm ngon, bổ dưỡng và nhiều dưỡng chất, đặt biệt là canxi, phốt pho, sắt…