Hà Nội cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX phát triển làng nghề

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề Hà Nội đã được đại diện các sở ngành, lãnh đạo TP giải đáp, cùng với đó là định hướng giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế làng nghề trong thời gian tới.

3 nhóm vấn đề lớn ở làng nghề

Tại hội nghị đối thoại của lãnh đạo TP Hà Nội với các DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh trong các làng nghề mới đây, Giám đốc Công ty TNHH mây tre đan Việt Quang (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Văn Tĩnh chia sẻ, một trong những khó khăn hiện nay là thiếu quy hoạch nông nghiệp và làng nghề. Điều này khiến các DN dè dặt đầu tư.

“Được biết, TP đang quy hoạch nông nghiệp và làng nghề tích hợp vào quy hoạch chung của Thủ đô, DN mong muốn được biết nội dung, lộ trình đang thực hiện đề án hiện nay để các DN có kế hoạch phát triển….” - ông Tĩnh bày tỏ.

Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ tại hội nghị đối thoại với lãnh đạo UBND TP Hà Nội.
Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ tại hội nghị đối thoại với lãnh đạo UBND TP Hà Nội.

Ở khía cạnh khác, Giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp, dịch vụ sinh thái Hà Nội (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Văn Tứ nói, TP đang giao cho Sở NN&PTNT tham mưu Đề án tổng thể phát triển làng nghề Hà Nội. Ông Tứ rất muốn biết mục tiêu đặt ra của đề án và giải pháp để giải quyết được các vấn đề căn cơ gì của làng nghề Hà Nội hiện nay. 

 

TP Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận, hội tụ bởi 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước, thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã. Doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm.

Vấn đề phát triển khoa học công nghệ cũng được các DN, HTX quan tâm. Giám đốc Công ty TNHH may Phú Thành Phát (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Văn Thành bày tỏ, DN mong muốn được hỗ trợ đưa máy móc khoa học kĩ thuật hiện đại vào quá trình sản xuất để có thể nâng cao năng suất của người lao động, giảm thời gian và chi phí sản xuất. “Đối với vấn đề này, TP đang có chính sách ra sao?” - ông Thành đặt câu hỏi.

Đại diện một số DN cũng chia sẻ, tại các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, DN được tham gia xúc tiến thương mại với quy mô lớn, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài cần chi phí lớn. Do đó, các DN đề xuất có các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ thương mại lớn trên thế giới.

Ghi nhận tại hội nghị đối thoại của lãnh đạo Hà Nội với các DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề mới đây, các cơ quan chức năng của TP đã tiếp nhận trực tiếp hàng chục ý kiến. Trước đó, trong quá trình chuẩn bị hội nghị, đã tổng hợp và sàng lọc trên 70 lượt kiến nghị của 59 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh với 3 nhóm.

Cụ thể là, nhóm vấn đề liên quan đến quy hoạch, hạ tầng, du lịch và môi trường làng nghề; thứ nữa là nhóm vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề; cuối cùng là nhóm vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thương hiệu và liên kết vùng nguyên liệu.

Duy trì kết nối thông tin hỗ trợ

Tại hội nghị, đại diện các sở ngành của TP Hà Nội đã phản hồi, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của các DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội. Đại diện Sở QHKT cho biết, Thủ đô đang tiến hành lập 2 đồ án: Đồ án Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 trong đó có những định hướng mới, điều chỉnh về phạm vi phát triển đô thị và nông thôn, phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn.        

Hiện nay, đồ án Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT tại Tờ trình số 139/TTr-UBND ngày 17/5/2024 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, UBND TP đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng tại Tờ trình số 140/TTr-UBND ngày 17/5/2024.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị đối thoại.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị đối thoại.

Liên quan đến Đề án tổng thể phát triển làng nghề TP Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Đề án nhằm phát triển kinh tế đa giá trị trong đó thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch văn hoá nông nghiệp, nông thôn; tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn; lưu giữ và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể nhằm bảo tồn giá trị truyền thống làng nghề...

Thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giải quyết bài toán liên kết vùng nguyên liệu còn đang khó khăn của Hà Nội, nhằm tiến tới kết nối vùng nguyên liệu đảm bảo nguồn cung ổn định để làng nghề phát triển bền vững. Hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất đáp ứng tổ chức sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển du lịch.

“Trên cơ sở Luật thủ đô được ban hành là cơ hội tốt để Sở NN&PTNT tham mưu TP các chính sách đủ mạnh nhằm từng bước giải quyết tháo gỡ, khó khăn, điểm nghẽn để làng nghề từng bước trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách trong nước và quốc tế…” - ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác xúc tiến thương mại, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN là hết sức cần thiết. Trong thời gian qua, TP đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tại các hội chợ thương mại lớn trên thế giới.

Đối với các chương trình này, cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang được được áp dụng theo Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 của HĐND TP Hà Nội. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp được tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ thương mại lớn trên thế giới theo quy định của Nhà nước.

Ghi nhận tại hội nghị, các kiến nghị, đề xuất của DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh đã được đại diện các sở ngành phản hồi, cung cấp thông tin. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao những đóng góp của các DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh đối với định hướng phát triển Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các sở ngành tiếp thu kiến nghị của các DN, HTX, chủ thể sản xuất kinh doanh; căn cứ các định hướng phát triển Thủ đô trong đó có bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội, triển khai ngay những nội dung thuộc thẩm quyền và tham mưu UBND TP đối với những nội dung còn vướng mắc; tham mưu UBND TP đề xuất Trung ương đối những nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương.

Bên cạnh đó, các sở ngành của TP cần tiếp tục duy trì và xây dựng hệ thống thông tin theo phương thức trực tuyến để tương tác, thu thập thông tin khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội; kịp thời đánh giá và có giải pháp xử lý kịp thời. 

 

“Hà Nội cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã hộ sản xuất kinh doanh, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư. Các cấp các ngành của TP sẽ tiếp tục cùng cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, với hệ giá trị cốt lõi: “Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc”...” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.