Theo đó, UBND TP yêu cầu các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tổ chức xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi. Xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vụ vi phạm tồn đọng, đặc biệt các vụ vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, công trình thủy lợi, thoát lũ, gây bức xúc trong dư luận.
TP cũng đề nghị các sở ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, có phương án quản lý, sử dụng đất tại các khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Kiên quyết thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đối với diện tích đất bãi sông, trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.
Thời gian tới, các sở ngành, địa phương tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các hạt quản lý đê, các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi đóng trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Kiểm tra thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ khi vi phạm mới phát sinh. Tăng cường xử phạt vi phạm hành chính, buộc các đối tượng vi phạm khôi phục lại hiện trạng ban đầu hoặc tổ chức cưỡng chế theo quy định.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quyết định cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều, công trình thủy lợi bảo đảm đúng quy định. Rà soát, đề xuất UBND TP tăng cường đầu tư các dự án phục vụ công tác quản lý đê điều, công trình thủy lợi như: Cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điêu, công trình thủy lợi; xây dựng đường hành lang chân đê; di dân các khu vực năm trong phạm vi bảo vệ đê điều, trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, khu vực nằm ở bãi sông không phù hợp quy hoạch…