Hà Nội: chuyển đổi số toàn diện giúp chính quyền hoạt động hiệu quả hơn sau tinh gọn
Kinhtedothi - Việc triển khai mô hình chính quyền đô thị 2 cấp tại Hà Nội là một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và phục vụ người dân tốt hơn.
Để mô hình này đạt được hiệu quả tối đa, công tác chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, đảm bảo sự kết nối thông suốt, đồng bộ giữa các cấp chính quyền và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công.

Chuyển đổi số toàn diện giúp chính quyền hoạt động hiệu quả hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tiếp cận dịch vụ công.
Chuyển đổi số đóng vai trò then chốt
Xác định rõ chuyển đổi số là trách nhiệm, nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã tiên phong trong triển khai thực hiện.
Trong công tác quản lý Nhà nước, chuyển đổi số không chỉ là số hóa quy trình xử lý công việc mà còn là phương thức tái định hình bộ máy, văn hóa công vụ và cách thức tương tác giữa chính quyền với người dân. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 của UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (PAR Index 2024). Theo đó, Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3/63 với 92,75 điểm (tăng 1,32 điểm so với năm 2023, tăng 3,17% so với năm 2022).
Như vậy, sau nhiều năm, Hà Nội đã trở lại vị trí top 10 tỉnh, TP dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số, dẫn đầu về kinh tế số; đứng thứ 4 về xã hội số và thứ 7 về thể chế số…
Để có được kết quả trên, TP cũng đã tiên phong hợp nhất ba ban chỉ đạo (CCHC, Chuyển đổi số và Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030") thành một Ban Chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban.
Mô hình này được triển khai ở tất cả các cấp, đồng thời TP đã thành lập và vận hành hơn 5.034 tổ chuyển đổi số cộng đồng với hơn 30.000 thành viên tại cơ sở. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các hệ thống nền tảng quan trọng trong công tác quản lý như xây dựng hệ thống thông tin báo cáo số, phòng họp thông minh không giấy tờ (iCabinet)…
Hà Nội cũng được yêu cầu thực hiện triệt để chủ trương "chuyển đổi số toàn diện" trong hoạt động của chính quyền TP, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp và bảo đảm nguyên tắc: "Không giấy tờ - Không tiếp xúc - Toàn trình - Liền mạch". Trong đó, yêu cầu mọi thủ tục, giao dịch giữa cơ quan nhà nước với cá nhân, tổ chức phải được thực hiện trên môi trường số; ưu tiên phương thức trực tuyến toàn trình, giảm tối đa hồ sơ giấy và tiếp xúc trực tiếp.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nộp lại hồ sơ giấy nếu đã có bản điện tử hợp lệ theo quy định pháp luật. Đồng thời, thừa nhận giá trị pháp lý và sử dụng hồ sơ điện tử trong toàn bộ quy trình giải quyết TTHC, TTHC nội bộ, các thủ tục và giao dịch khác. Ngoài ra, cũng không được để phát sinh đồng thời 2 quy trình xử lý (điện tử và giấy) cho cùng một TTHC hoặc cùng một hồ sơ.
Bảo đảm công tác chuyển đổi số khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thảo luận tại Tổ Hà Nội (kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV). Ảnh: Khánh Duy.
Thảo luận tại Tổ Hà Nội - kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, chiều 7/5, liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các Ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ, đảm bảo từ 0 giờ ngày 1/7, các đơn vị hành chính mới hoạt động ngay lập tức, không để gián đoạn dịch vụ công.
Trên cơ sở đó, Hà Nội đã khẩn trương ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND triển khai một số nhiệm vụ bảo đảm công tác chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước TP khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Kế hoạch nhằm bảo đảm hệ thống CNTT tại các đơn vị được vận hành liên tục, không gián đoạn trong quá trình khai thác, sử dụng; dữ liệu từ các hệ thống thông tin của đơn vị khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm tích hợp, liên thông, đồng bộ, thống nhất; tổ chức hệ thống thông tin, lưu trữ dữ liệu phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tối ưu hóa nguồn lực và chi phí vận hành.
Trong 7 nội dung, nhiệm vụ cụ thể tại Kế hoạch, TP giao các sở, ban, ngành TP rà soát, cập nhật, tổ chức lại các nền tảng số, hệ thống thông tin đang vận hành, khai thác hoặc đang trong giai đoạn thiết kế, xây dựng, phát triển, bảo đảm phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng hệ thống thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức ngay sau khi thực hiện mô hình chính quyền này; bảo đảm vận hành ổn định, thông suốt, không gián đoạn…
Riêng về hạ tầng kỹ thuật, đối với hạ tầng CNTT dùng chung TP, Sở KH&CN chủ trì và có nhiệm vụ bảo đảm vận hành thông suốt, không gây gián đoạn hoạt động của các nền tảng số, hệ thống thông tin, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi và phải có giải pháp dự phòng… Ngoài ra, Sở KH&CN cũng được giao duy trì nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu; bảo đảm không gián đoạn các dịch vụ đang kết nối, chia sẻ của TP; bám sát tình hình thực tế sáp nhập, hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính TP để cấu hình, điều chỉnh các dịch vụ phù hợp…
Đặc biệt, Công an TP được giao rà soát, đánh giá an toàn thông tin mạng; thiết lập, củng cố cơ chế phòng vệ và xây dựng phương án xử lý sự cố an toàn thông tin mạng khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; hướng dẫn các cơ quan nhà nước TP tổ chức triển khai bảo đảm an toàn thông tin mạng tại cơ quan, đơn vị khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp…
Sự kết hợp giữa tinh gọn tổ chức và vận hành số sẽ giúp chính quyền đô thị của Hà Nội trở nên linh hoạt hơn, minh bạch hơn và gần dân hơn. Đây không chỉ là mục tiêu quản trị, mà còn là thước đo năng lực đổi mới để Hà Nội trở thành đô thị thông minh đi đầu cả nước.

Nhiệm vụ, quyền hạn cấp xã sẽ tăng lên khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp
Kinhtedothi - Chiều 6/4, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, Thứ trưởng Bội Nội vụ Nguyễn Thị Hà đã thông tin về việc thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp sắp tới và các chế độ đối với người bị ảnh hưởng sau khi thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy theo mô hình mới.

Hà Nội: xây dựng phân cấp một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội khi áp dụng mô hình chính quyền 2 cấp
Kinhtedothi - Ngày 21/4, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 1585/UBND-KT về việc xây dựng phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội khi áp dụng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Không để gián đoạn dịch vụ công khi ngừng hoạt động các đơn vị hành chính cũ từ 1/7/2025
Kinhtedothi - "Từ 0 giờ ngày 1/7/2025, khi các đơn vị hành chính cũ ngừng hoạt động, đến 23 giờ cùng ngày, mọi dịch vụ công thiết yếu phải được đảm bảo vận hành trôi chảy. Các dịch vụ như xác nhận giấy tờ, cấp giấy khai sinh, hay hỗ trợ thủ tục học tập không được gián đoạn" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh tại buổi thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).