Theo đó, TP đặt mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2020 bình quân đạt từ 2,5 đến 3% trở lên. Hình thành thêm từ 1 - 2 khu giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp tập trung theo quy hoạch gắn với chế biến theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh; từ 1 - 3 cơ sở, khu chế biến nông sản, khu trưng bày các sản phẩm nông sản, đặc sản; tăng từ 20% cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản đảm bảo đúng quy định về an toàn thực phẩm, có áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến…
Bên cạnh đó, tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến đạt 7 - 8%/năm. Phát triển khoảng 15 khu (cơ sở) chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. 100% sản phẩm nông, lâm sản, thủy sản, thực phẩm chế biến sử dụng mã QR trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm Hà Nội tích hợp vào hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa Quốc gia. Phát triển 1 khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ hàng xuất khẩu…
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND TP Hà Nội sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, đi đôi với tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản, TP khuyến khích đầu tư chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cùng với đó là đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước…