Xây dựng kế hoạch, đảm bảo nguồn cung hàng hoá
Hàng năm, vào thời điểm cuối năm là nhu cầu mua sắm hàng hóa trong nhân dân lại tăng, thị trường hàng hóa cũng sôi động hơn để chuẩn bị phục vụ nhân dân trong dịp cuối năm cũng như Tết Nguyên đán. Trong khoảng thời gian này, vấn đề cung cầu, giá bán và chất lượng sản phẩm hàng hóa luôn là vấn đề cần được quan tâm chú trọng. Để chuẩn bị tốt nhất cho thị trường Tết 2024, Sở Công Thương đã có công tác chuẩn bị từ rất sớm.
Từ đầu năm, Sở đã tham mưu trình UBND TP Hà Nội ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2023 (thời gian thực hiện từ tháng 7/2023 đến hết tháng 6/2024), để chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết 2024. Qua đó, đã vận động 27 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia, thực hiện cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường tới hơn 14.000 điểm bán trên toàn thành phố Hà Nội (trong đó trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; gần 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và hơn 500 bếp ăn tập thể).
Từ tháng 9/2023, Sở đã chủ động theo dõi sát thông tin tình hình thị trường và xây dựng Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, trong đó đã xác định nhóm hàng, dự báo khả năng cung ứng, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu trong 3 tháng trước, trong và sau Tết và hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng Kế hoạch, ký kết các hợp đồng mua bán hàng hóa, tổ chức các điểm bán hàng bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân. Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7%-25% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2023 sẵn sàng phục vụ nhân dân (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam, nhất là hàng nông sản đặc trưng của các địa phương, sản phẩm OCOP chiếm khoảng 90%).
Để chủ động nguồn hàng, Sở thường xuyên triển khai các hoạt động kết nối cung cầu giữa Thành phố Hà Nội với các tỉnh để hỗ trợ các đơn vị phân phối trên địa bàn tạo nguồn hàng hóa ổn định, chất lượng từ các tỉnh, thành phố phục vụ nhân dân. Trong năm 2023, Sở đã tổ chức khoảng 40 hoạt động giao thương kết nối trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Kết quả: Hỗ trợ giới thiệu trên 3000 sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố về thị trường Hà Nội; hỗ trợ kết nối tiêu thụ trên 500.000 tấn hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô.
Phó Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, Hapro đã tập trung xây dựng chương trình kinh doanh phục vụ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024. Các sản phẩm mang thương hiệu Hapro do các Công ty, đơn vị trong Tổng công ty trực tiếp sản xuất và kinh doanh đã có uy tín trên thị trường: gạo Hapro Đồng Tháp; Hạt điều rang Hapro; các sản phẩm rượu vang Thăng Long; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói, thịt gà, thịt ba chỉ xông khói; bộ sản phẩm giò lụa, giò bò, giò gà...; các đặc sản vùng miền như bưởi Diễn, miến dong, bún khô, mỳ gạo…
Tại hệ thống siêu thị Hapro/BRGMart hiện có trên 40 điểm bán, siêu thị, cửa hàng tại địa bàn thành phố Hà Nội. Từ tháng 9, tháng 10/ 2023; Hapro/BRGMart đã trao đổi cùng các nhà cung cấp, đặc biệt với các nhà cung cấp cung ứng mặt hàng thiết yếu, lập kế hoạch dự trữ và cung ứng nguồn hàng liên tục tăng từ 20-30% sản lượng bán hàng so với năm 2023; để phục vụ Tết Nguyên Đán.
Về chất lượng hàng hoá, bà Đỗ Tuệ Tâm cho biết, hệ thống siêu thị Hapro/ BRGMart có quy trình kiểm soát hàng hoá vào siêu thị rất chặt chẽ. Đặc biệt, trong tháng cao điểm phục vụ cho Tết Nguyên Đán 2024, thì việc kiểm soát hàng hoá vào Siêu thị càng được đặt lên hàng đầu, với những tiêu chí quan trọng. Theo đó, kiểm soát hàng hoá đầu vào từ các nhà cung cấp: Hàng hoá chất lượng cao, minh bạch nguồn gốc, mẫu mã phong phú, phù hợp với Tết 2024; tất cả các hàng hoá phải đảm bảo đầy đủ các giấy phép, giấy chứng nhận, kiểm định; Kiểm soát từ phía siêu thị: khâu vận chuyển, giao nhận, bảo quản, trưng bày đúng quy định; Thanh tra, kiểm soát chất lượng được tăng cường; đảm bảo, nâng cao kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; Đảm bảo hàng hoá đến tay người tiêu dùng Thủ Đô luôn ở trạng thái tốt nhất.
Giám đốc siêu thị Coop Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong 3 tháng trước – trong và sau Tết Giáp Thìn năm 2024.
Theo đó, tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết của Saigon Co.op lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20 – 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản,... còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
Các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là nhóm hàng phục vụ Tết như bánh mứt kẹo, giò chả, rau củ quả, trái cây ... được kiểm tra chất lượng ngay tại trung tâm phân phối và test nhanh trước khi lên quầy kệ tại siêu thị. Các chỉ tiêu được kiểm tra bao gồm: kháng sinh trong thủy hải sản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ tiêu vi sinh, chất tăng trọng, hàn the, formol, chất tẩy trắng ...
Hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn, giảm giá
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn Thủ đô, bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm tạo nguồn hàng chất lượng, ổn định thông qua các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, Sở Công Thương thường xuyên đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng kịp thời, đầy đủ, nhất là trong dịp Tết 2024.
Tăng cường triển khai các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại như tổ chức các Hội chợ, tuần hàng, Lễ hội…. thông tin, mời doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh giới thiệu, trưng bày, bán sản phẩm hàng hóa tới trực tiếp người tiêu dùng Thủ đô. Dự kiến mỗi sự kiện sẽ thu hút trên 100 gian hàng, với đa dạng sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường Tết từ các đơn vị tham gia. Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở Công Thương dự kiến sẽ tổ chức các điểm chợ Hoa xuân, Hội chợ nông sản thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 phục vụ nhân dân trong dịp Tết…
Hỗ trợ tạo điều kiện cho các xe vận chuyển chở hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường được hoạt động 24/24h tại khu vực nội thành để đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt đến các điểm bán hàng phục vụ nhân dân.
Tiếp tục kết nối các doanh nghiệp với các sàn thương mại điện tử lớn để, doanh nghiệp mở rộng thêm các hình thức cung ứng hàng hóa tới người tiêu dùng; Hướng dẫn các đơn vị thực hiện, đăng ký các chương trình khuyến mãi theo quy định đối với các sản phẩm để thu hút được sự quan tâm, mua sắm của khách hàng…
Phó Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, đơn vị tăng cường dự trữ hàng hoá, ngoài 12 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình Bình ổn thị trường như: gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo,), rượu bia – NGK…. Trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, Tổng công ty còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như: mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...); các loại quả - hạt khô phục vụ Tết, các mặt hàng khác như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm… Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1000 tỷ đồng, trong đó đã bao gồm lượng hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội.
“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ các phương án chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo đầy đủ về chủng loại, ổn định về giá cả phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội”- bà Đỗ Tuệ Tâm khẳng định.
Giám đốc siêu thị Coop Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cũng cho biết, hưởng ứng chương trình bình ổn giá, khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, ngay từ giữa tháng 12/2023, chương trình Tết của Saigon Co.op sẽ mở màn chuỗi bằng các hoạt giảm giá trực tiếp từ 50% - 100% cho hơn 10.000 sản phẩm Tết. Chuỗi chương trình này kéo dài đến sát Tết Nguyên Đán, đặc biệt trong mười ngày cận Tết tiếp tục giảm giá sâu hơn để giảm áp lực mua sắm cho người dân; đồng thời duy trì song song các chương trình khuyến mãi tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao, tặng phiếu quà tặng...
Ngoài ra, những ngày cận Tết, Saigon Co.op luân phiên giảm giá mạnh cho hàng nghìn sản phẩm theo thứ tự ưu tiên gồm sản phẩm vệ sinh và trang trí nhà cửa; sản phẩm chăm sóc cá nhân, hàng thời trang; giỏ quà tết, các loại thực phẩm ngâm, mứt và gia vị; cận Tết là lạp xưởng, trái cây, thịt kho hột vịt, bánh chưng, mâm cỗ Tết.
“Saigon Co.op hướng đến đa dạng đối tượng khách hàng. Ngoài nhóm khách hàng mục tiêu, Saigon Co.op cũng dành nhiều ưu tiên cho nhóm khách hàng Gen Y và Gen Z bằng các phiên livestream, các video ngắn trên các nền tảng số. Saigon Co.op dành nhiều ưu đãi cho người lao động có thu nhập thấp: ưu tiên mua hàng giảm giá; tổ chức hơn 200 chuyến bán hàng lưu động đến các KCN - KCX, vùng sâu vùng xa; đặc biệt chương trình Chuyến xe hạnh phúc hỗ trợ vé miễn phí cho người lao”… - bà Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ.