Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Những con số "biết nói"

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Năm 2023, UBND TP Hà Nội ban hành 363 văn bản để chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn TP, đến cuối năm nhìn lại cho thấy đã đạt những kết quả tích cực.

Đơn giản hóa trên 20% thủ tục hành chính

Theo UBND TP Hà Nội, trong năm qua, UBND TP đã phê duyệt phương án đơn giản hóa 122 TTHC thuộc các lĩnh vực, đạt tỷ lệ trên 20% TTHC được đơn giản hóa; công bố danh mục 1.221 TTHC, sửa đổi và bổ sung 935 TTHC, bãi bỏ 202 TTHC. TP cũng phê duyệt 1.369 quy trình nội bộ giải quyết TTHC, trong đó: 26 quy trình nội bộ liên thông với Trung ương, 2 quy trình nội bộ liên thông giữa các cơ quan thuộc TP, 166 quy trình nội bộ giải quyết TTHC cấp TP, 827 quy trình nội bộ giải quyết TTHC cấp sở, 276 quy trình nội bộ giải quyết TTHC cấp huyện, 72 quy trình nội bộ giải quyết TTHC cấp xã.

Tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc TP là 1.886 TTHC, trong đó: Liên thông Trung ương có 10 TTHC, thuộc thẩm quyền UBND TP 301 TTHC, thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND TP 29 TTHC, thẩm quyền cấp sở 1.052 TTHC, thẩm quyền cấp huyện 370 TTHC, thẩm quyền cấp xã 124 TTHC.

Tổng số có 2.060.893 hồ sơ, TTHC đã được tiếp nhận trên toàn TP (tính đến 30/11/2023), trong đó 1.996.534 hồ sơ đã được giải quyết, còn lại đang giải quyết. 100% quyết định công bố danh mục TTHC, kết quả giải quyết TTHC đã được công khai trên Cổng dịch vụ công (DVC) Quốc gia và được các cơ quan, đơn vị giải quyết TTHC công khai tại bộ phận “một cửa” theo quy định.

Lãnh đạo Văn phòng HĐND&UBND quận Hai Bà Trưng tuyên truyền đến người dân về mô hình ''Một hồ sơ, ba kết quả'' trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận ''một cửa'' của quận
Lãnh đạo Văn phòng HĐND&UBND quận Hai Bà Trưng tuyên truyền đến người dân về mô hình ''Một hồ sơ, ba kết quả'' trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận ''một cửa'' của quận

Song song đó, UBND TP đã ban hành 21 quyết định, công bố 115 TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND TP; các sở, ban, ngành phê duyệt 450 quy trình; cấp huyện ban hành 1.789 quy trình; cấp xã ban hành 2.962 quy trình giải quyết công việc nội bộ (ngoài TTHC) và 128 quy trình liên thông giải quyết công việc cấp xã, cấp huỵện. Các TTHC nội bộ được công khai trên Cổng giao tiếp điện tử TP, trang thông tin điện tử các sở, ngành.

TP đã triển khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC về bảo đảm việc số hóa hồ sơ, TTHC theo quy định. UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị thuộc TP đã chuẩn bị sẵn sàng điều kiện, trang thiết bị và bố trí công chức trong tiếp nhận, giải quyêt TTHC thực hiện việc số hóa khi Hệ thống có các tính năng đảm bảo theo quy định tại Thông tư 01/2023/TT-VPCP.

Đặc biệt, chú trọng đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, đẩy mạnh cung cấp DVC trực tuyến, trong năm qua, TP đã hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP đảm bảo vận hành theo quy chuẩn. Kết quả, 667 bộ phận “một cửa” của các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn đều đảm bảo cơ sở vật chất, con người; đang hoàn thiện quy trình điện tử và thực hiện tích hợp trên Cổng DVC Quốc gia với những TTHC đủ điều kiện thực hiện DVC trực tuyến toàn trình và một phần.

TP cũng đã phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình 110 TTHC được lựa chọn xây dựng DVC trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; đang tích cực hoàn thành tái cấu trúc quy trình điện tử cung cấp DVC trực tuyến toàn trình và một phần. Ngoài ra, đã tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về TTHC và đánh giá chất lượng giải quyết TTHC với 6.134 ý kiến, từ đó đã xử lý 100%.

Ủy quyền giải quyết TTHC: Giảm thời gian, chi phí cho công dân

Đáng chú ý, lãnh đạo Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, sau 1 năm triển khai thực hiện Quyết định 4610/QĐ-UBND ngày 22/11/2022 của UBND TP về việc phê duyệt Phương án ủy quyền giải quyết TTHC trên địa bàn, toàn TP đã ban hành quyết định ủy quyền đối với 574/613 TTHC có phương án, đạt 94%; đã tham mưu UBND TP công bố TTHC đối với 574 TTHC được ủy quyền (đạt 100%), phê duyệt 578 quy trình nội bộ, đạt 100% (do 4 TTHC có ủy quyền về 2 đơn vị thực hiện).

Người dân được hướng dẫn quy trình thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận ''một cửa'' UBND thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín
Người dân được hướng dẫn quy trình thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận ''một cửa'' UBND thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín

TP đã tập trung rà soát và ban hành kịp thời các quy trình giải quyết với các TTHC ủy quyền cho cấp huyện, tập trung vào những lĩnh vực có nhiều TTHC như công thương, giao thông vận tải, kế hoạch đầu tư, lao động thương binh và xã hội..., đảm bảo 100% TTHC được ủy quyền có quy trình nội bộ giải quyết TTHC kèm theo. Với 39 TTHC chưa ủy quyền do có vướng mắc, đều đang thực hiện theo quy trình nội bộ TTHC đã được TP ban hành theo quy định.

Thực tế cho thấy, việc ủy quyền giải quyết TTHC đã tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC tiết giảm được thời gian, chi phí; đồng thời giảm tải áp lực công việc cho sở, ngành, để tập chung hơn cho nhiệm vụ tham mưu xây dựng chính sách, quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trên địa bàn TP.

Cùng đó, việc thực thi phương án ủy quyền trong giải quyết TTHC đem lại hiệu ứng, khí thế tích cực cho công tác cải cách TTHC nói riêng và cải cách hành chính của TP nói chung. Hà Nội là địa phương đi đầu trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp ủy quyền trong giải quyết TTHC, công việc.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã báo cáo còn gặp một số khó khăn vướng mắc khi xác định thẩm quyền ủy quyền đối với nhóm TTHC ủy quyền theo phương án đã được UBND TP phê duyệt, từ đó kiến nghị TP về phương án ủy quyền TTHC cụ thể cho năm 2024 để phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đơn giản hóa TTHC, mang lại lợi ích thiết thực nhất cho người dân thụ hưởng.

Cụ thể, các đơn vị đề xuất đưa khỏi phương án ủy quyền tại Quyết định 4610/QĐ-UBND đối với 39 TTHC chưa thực hiện ủy quyền theo phương án đã được phê duyệt và một số TTHC trong quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc cần đưa ra khỏi phương án ủy quyền giải quyết TTHC cho phù hợp thực tiễn. Đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế mới một số TTHC do quá trình thực hiện phát sinh khó khăn, cần điều chỉnh cho phù hợp (điều kiện về nguồn lực nhân sự, chuyên môn nghiệp vụ lĩnh vực giao thông vận tải, công thương…). Một số đơn vị cũng đề nghị TP có phương án ủy quyền một số TTHC mới.

Trước những ý kiến đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đã đề nghị Văn phòng UBND TP tiếp thu, song cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục thống nhất về chủ trương phân cấp ủy quyền. “Các nội dung khi triển khai ủy quyền phải xác định lấy việc phục vụ, giảm thời gian, công sức và đơn giản nhất có thể để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Cải cách TTHC có thể nói là đột phá của đột phá, nên phải đẩy mạnh chuyển đổi số, thông minh hóa toàn bộ để người dân có thể "phi địa giới”- ông Hà Minh Hải nhấn mạnh. 

UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, theo đó chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện số hóa, điện tử hóa toàn trình đối với hồ sơ TTHC, từ khâu tiếp nhận, thụ lý, giải quyết, trả kết quả trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP đúng quy định.

Từ ngày 2/1/2024, TP thực hiện luân chuyển toàn trình hồ sơ đầu vào đối với 100% hồ sơ TTHC, TTHC liên thông trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP; thực hiện việc ký số của người có thẩm quyền giải quyết TTHC, cấp kết quả giải quyết TTHC bằng bản điện tử kết hợp bản giấy, số hóa các hồ sơ liên thông giải quyết TTHC.

UBND TP đã giao giám đốc các sở, cơ quan tương đương sở tổ chức rà soát, lựa chọn và trước ngày 30/1/2024 trình Chủ tịch UBND TP ban hành danh mục thành phần hồ sơ cần số hóa theo yêu cầu quản lý đúng quy định.