Hà Nội đưa nông thôn tiến gần thành thị: Bài 3:Gắn kết hợp tác, phát triển

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, có điểm đầu nhưng không có kết thúc.

>>> Bài 1: Khó khăn những ngày đầu hợp nhất
>>> Bài 2: Tiếp sức cho ngoại thành

Chính vì vậy, việc duy trì chủ trương các quận hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới tiếp tục được Thành ủy xem là giải pháp quan trọng, hướng đến phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô, tiến tới thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị.

Các sản phẩm từ sữa của huyện Ba Vì được chế biến, đóng gói, đưa về nội thành phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: Trọng Tùng
Các sản phẩm từ sữa của huyện Ba Vì được chế biến, đóng gói, đưa về nội thành phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: Trọng Tùng

Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn

Kể từ khi Thông báo số 443/TB-TU của Thành ủy Hà Nội được ban hành, các quận với tinh thần sẻ chia, trách nhiệm, đã hỗ trợ nguồn lực hàng nghìn tỷ đồng cho các huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thời điểm chủ trương mới đi vào thực tiễn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khóa XVI Ngô Thị Thanh Hằng đã lưu ý các huyện sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực, để “không phụ tấm lòng” của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các quận.

TP Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương cân đối, bố trí bổ sung nguồn vốn từ ngân sách huyện đối với phần kinh phí còn thiếu để thực hiện đầu tư, sớm hoàn thành các công trình, dự án được hỗ trợ. Thực tế sau hơn 5 năm triển khai, chưa xuất hiện bất cứ thông tin, phản ánh nào liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn kém hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, là địa bàn có xuất phát điểm thấp nên kinh phí hỗ trợ từ các quận có ý nghĩa rất quan trọng, là động lực giúp địa phương về đích nông thôn mới năm 2020. Cho đến nay, các công trình từ nguồn hỗ trợ của các quận đều đang phát huy hiệu quả tích cực.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng các công trình đúng mục đích. Trước hết là tránh lãng phí tài sản công, thứ nữa là không phụ tấm lòng của chính quyền và Nhân dân các quận đã quan tâm, dành nguồn lực hỗ trợ” - ông Hồ Việt Hùng chia sẻ.

Mở rộng hợp tác liên kết giữa các quận - huyện

Không chỉ hỗ trợ các huyện về nguồn vốn, nhiều quận đã và đang mở rộng hợp tác, liên kết với các huyện để khai thác tiềm năng, lợi thế, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho các địa phương có điều kiện khó khăn. Là quận trung tâm của Thủ đô, Hoàn Kiếm có hoạt động thương mại, du lịch đặc biệt phát triển.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, hiện nay quận đang kết nối các tổ chức, DN trên địa bàn với chủ thể sản xuất, kinh doanh tại nhiều huyện để tiêu thụ các sản phẩm của người dân khu vực nông thôn.

“Thời gian tới, chúng tôi mong muốn được trao đổi, hợp tác với các huyện có nhiều làng nghề, nhằm lựa chọn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống cung cấp cho du khách. Qua đó, vừa để quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội ngàn năm văn hiến, vừa thúc đẩy liên kết, phát triển kinh tế giữa các địa phương” - ông Phạm Tuấn Long cho hay.

Những năm qua, nhiều tổ chức, DN tại các quận cũng đang tìm kiếm các đối tác liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làng nghề khu vực ngoại thành. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích nội đô hiện nay đang tiếp nhận, cung ứng ra thị trường rất nhiều sản phẩm “sản sinh ra từ làng” của bà con nông dân…

Sản phẩm OCOP, nông sản, thực phẩm an toàn của các huyện ngoại thành tham gia hội chợ và tiêu thụ tại Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn
Sản phẩm OCOP, nông sản, thực phẩm an toàn của các huyện ngoại thành tham gia hội chợ và tiêu thụ tại Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn

Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, cùng với nguồn lực hỗ trợ đầu tư nâng cấp hạ tầng, việc phát triển những mối liên kết mới nhằm khai thác tối đa thế mạnh của các địa phương là giải pháp hết sức quan trọng. Để làm được điều đó, các huyện cần chủ động liên kết với các quận để xác lập những giá trị, từ đó xây dựng được định hướng về các lĩnh vực có thể hợp tác.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, việc tăng cường hợp tác, liên kết, phát triển kinh tế giữa các quận và những địa bàn khó khăn không chỉ để giải quyết bài toán về cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới, mà còn tạo ra những giá trị kinh tế - văn hóa - xã hội về lâu dài, phù hợp với đòi hỏi thực tế phát triển của Thủ đô.

Tính đến nay, Hà Nội có thêm 3 huyện (Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số có 15/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

TP cũng có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy, vẫn còn 3 huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì chưa hoàn thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong 9 tháng năm 2022 là 22.149 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP là 10.446,7 tỷ đồng.

Nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, có điểm đầu nhưng không có kết thúc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực để hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới; phấn đấu xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, tiệm cận đô thị.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cũng đặc biệt lưu ý các quận tiếp tục hỗ trợ các huyện trong xây dựng nông thôn mới, nhất là các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn. Đồng thời, tăng cường kết nối, hỗ trợ lẫn nhau trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, vì mục tiêu xây dựng một Hà Nội ngày càng phát triển.

(Còn nữa)