Hà Nội được bổ sung 86.000 m2 sàn nhà ở trong 6 tháng đầu năm 2023

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong 6 tháng đầu năm 2023, các dự án phát triển nhà trên địa bàn TP Hà Nội đã cung cấp thêm cho thị trường 86.000m2 sàn nhà ở. Đây là kết quả tương đối khả quan trước tình hình thị trường BĐS bị suy giảm mạnh thời gian gần đây.

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 trên địa bàn TP Hà Nội đánh giá, kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, mặc dù một số lĩnh vực có xu hướng tăng chậm.

Cụ thể, lĩnh vực du lịch và vận tải hành khách phục hồi mạnh, tổng khách du lịch tăng 42%, khách quốc tế tăng 7 lần. Số lượt hành khách vận chuyển tăng 25,1%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 13,6%), khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 20,8% (cùng kỳ tăng 30,8%); Sản xuất công nghiệp, xây dựng duy trì tăng trưởng (3,28%), tuy nhiên mức tăng thấp hơn cùng kỳ (6,31%);

Thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm đạt 2.265 triệu USD, dẫn đầu cả nước và vượt kết quả năm 2022. Doanh nghiệp tiếp tục phát triển với 15.618 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5%...

Thời gian gần đây các dự án nhà ở tại địa bàn Hà Nội phát triển mạnh về phía Đông.
Thời gian gần đây các dự án nhà ở tại địa bàn Hà Nội phát triển mạnh về phía Đông.

Công tác quy hoạch và phát triển nhà ở trên địa bàn Thủ đô vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, TP đã hoàn Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến trình phê duyệt trong tháng 10/2023; UBND TP đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; 13 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, 1 đồ án quy hoạch chi tiết, 2 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết, 3 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị... đã được phê duyệt.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn, ảm đạm, thiếu trầm trọng nguồn cung sản phẩm do doanh nghiệp bị thiếu vốn đầu tư, thì trong 6 tháng đầu năm thị trường BĐS Hà Nội vẫn ghi nhận có thêm lượng lớn sản phẩm mới được cung cấp cho thị trường.

Theo đó, tổng nguồn nhà ở thương mại và nhà ở tái định cư đã hoàn thành là 86.000 m2 sàn (trong đó hoàn thành 2 dự án nhà thương mại với hơn 61.000 m2 sàn; 2 dự án nhà tái định cư với 25.000 m2 sàn).

Đáng chú ý, thời điểm hiện tại các sản phẩm nhà ở trên địa bàn Thủ đô đang có sự chuyển dịch mạnh hơn về phía Đông, sau một thời gian dài TP tập trung phát triển về phía Tây khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, đến nay sau một thời gian phát triển, các nhà đầu tư nhận thấy khu vực phía Đông có nhiều tiềm năng không kém, thậm chí là hơn các khu vực khác, lại rất gần với khu vực trung tâm của Hà Nội, chỉ cách chưa đầy 3km. Đặc biệt khi Hà Nội đã công bố quy hoạch 2 khu đô thị lớn ở Bắc sông Hồng, thì khu vực phía Đông càng trở nên hấp dẫn đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư.

“Tiềm năng phát triển BĐS ở khu vực phía Đông Thủ đô được xem là một tất yếu khách quan trọng quá trình phát triển, chứ không hẳn là vì khu vực này có nhiều doanh nghiệp BĐS lớn vào đầu tư nên được lăng xê nhằm thu hút nhà đầu tư và khách hàng. Cùng với đó, khu vực phía Đông giáp với những tỉnh công nghiệp mới như Bắc Ninh, Hưng Yên... có hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ, nên các dự án nhà ở khu vực này đáp ứng được nhu cầu của người dân” - TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phân tích.