Kế hoạch CCHC nhà nước năm 2025 của thành phố Hà Nội nêu rõ mục đích: Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố tiếp tục được kiện toàn, tinh gọn, đồng bộ, hiện đại, hoạt động thông suốt, minh bạch và hiệu quả; có năng lực, đáp ứng phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp ngày một tốt hơn; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao trách nhiệm giải trình và trách nhiệm giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống các cơ quan nhà nước thành phố; duy trì kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDex) ở thứ hạng cao và nâng cao Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của cơ quan nhà nước (SIPAS) của thành phố.
Kế hoạch đề ra chỉ tiêu và nội dung, nhiệm vụ cụ thể đối với 7 nội dung của công tác CCHC, cụ thể:
Về công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: Chỉ số PAR INDex của thành phố xếp trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; phấn đấu Chỉ số SIPAS của thành phố đạt tối thiểu 85%...
Về cải cách thể chế: Phấn đấu 100% văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân…
Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông: Phấn đấu 100% TTHC được trả kết quả giải quyết đúng hạn, trước hạn. Riêng lĩnh vực tài nguyên và môi trường và kế hoạch đầu tư phấn đấu đạt tối thiểu 99% số hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn; phấn đấu 100% tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến…
Về cải cách tổ chức bộ máy: Tiếp tục giảm tối thiểu từ 15% đến 20% đầu mối tổ chức bên trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp so với năm 2015; hoàn thành chỉ tiêu tinh giản biên chế 5% cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách so với năm 2021; hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 và sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố và các phòng, đơn vị thuộc UBND cấp huyện.
Về cải cách chế độ công vụ: 100% cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố xuống tới cấp xã được tập huấn, bồi dưỡng về công tác CCHC, tập trung bồi dưỡng kỹ năng số, kỹ năng giao tiếp trên không gian mạng, qua kênh phản ánh, kiến nghị trực tuyến, điện thoại, email…
Về cải cách tài chính công: Thành phố phấn đấu năm 2025, tỷ trọng chi thường xuyên ở mức dưới 50% tổng chi ngân sách thành phố Hà Nội; 100% cán bộ, công chức, viên chức được hưởng chế độ chính sách chi thu nhập tăng thêm theo Luật Thủ đô…
Về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số: Phấn đấu 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị công việc tổng thể; 100% hồ sơ công việc tại các sở, ban, ngành thành phố và UBND cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của thành phố được cập nhật, chia sẻ với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia…
Căn cứ các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch này và các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại các Kế hoạch có nội dung, nhiệm vụ về CCHC; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, triển khai toàn diện từng nội dung CCHC. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ: Xây dựng Kế hoạch CCHC của cơ quan, đơn vị trên cơ sở cụ thể hóa các nhiệm vụ Kế hoạch CCHC năm 2025 của thành phố; quán triệt, tuyên truyền CCHC, chú trọng nội dung tuyên truyền việc thực hiện một cửa hiện đại, chuyển đổi số, chính quyền số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mô hình sáng kiến CCHC…