Hà Nội: Giáo dục phổ thông nỗ lực tiếp cận, làm chủ Chương trình mới

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Phát huy vài trò tự chủ chuyên môn của giáo viên trong lựa chọn SGK, tổ chức chương trình GDPT 2018, phát triển mạng lưới trường lớp… là những nội dung cơ bản được thảo luận tại hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023 cấp THPT được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức chiều 16/8.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm học 2022 - 2023 là năm học toàn ngành quay lại trạng thái bình thường mới sau 2 năm tổ chức dạy và học trong điều kiện chống dịch Covid 19.

Riêng đối với cấp THPT, đây cũng là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, song song với việc tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2006. Nhiệm vụ đặt ra với ngành là vừa phải tiếp tục giữ vững chất lượng của Chương trình giáo dục hiện hành, vừa phải thích nghi và nhanh chóng làm chủ Chương trình GDPT mới.

 

 Năm học 2022 - 2023 cấp THPT có 240 trường, 6.543 lớp; 283.159 học sinh; 16.667 giáo viên, 6.167 phòng học tăng 4 trường, 515 lớp, 22.270 học sinh so với năm học trước. TP đã xây mới, thành lập mới 1 trường học công lập THPT, triển khai xây dựng 5 trường học công lập; phê duyệt chủ trương đầu tư 10 trường học công lập và có thêm 4 trường được công nhận chuẩn quốc gia.

Dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ nhưng nhìn chung, các nhà trường đã nỗ lực khắc phục khó khăn để đáp ứng tốt nhất mục tiêu hướng nghiệp của Chương trình mới và nhu cầu học tập của học sinh. Việc tổ chức dạy học về cơ bản đã được các nhà trường thực hiện theo đúng văn bản hướng dẫn của Bộ và Sở.

Một điểm nổi bật trong việc thực hiện đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục đó là việc tổ chức day học theo hướng trải nghiệm đã được nhiều nhà trường quan tâm. Ngoài ra, các nhà trường cũng nâng cao chất lượng dạy học thông qua việc đẩy mạnh đổi mới phương pháp Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THPT. 

Học sinh Trường THPT Mỹ Đình (Ảnh: FBNT)
Học sinh Trường THPT Mỹ Đình (Ảnh: FBNT)

Không chỉ khẳng định vị trí dẫn đầu cả  nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, Hà Nội còn đứng số 1 về số học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng như tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Đặc biệt, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2023 chung toàn TP đạt 99,56%, đứng thứ 16 cả nước, tăng 11 bậc so với năm học trước. 51 học sinh xuất sắc tại các trường THPT được kết nạp Đảng.

Năm học 2023 – 2024, cấp THPT tại Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, đổi mới phương pháp và kiểm tra đánh giá. Các trường chủ động rà soát và chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, tăng cường tập huấn chuyên môn cho giáo viên để triển khai Chương trình GDPT 2018; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các đoàn học sinh giỏi; tập huấn, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo...

Ngoài ra, các đơn vị nhà trường tích cực chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT 2018 với lớp 12, tổ chức thực hiện việc lựa chọn SGK theo quy định; rà soát, thống kê số lượng, cơ cấu giáo viên cấp THPT theo chuẩn đào tạo; cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục; xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng theo yêu cầu của Chương trình mới...