Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho người cao tuổi, người khuyết tật nhẹ

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách phù hợp với tình hình thực tế nhằm phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.

Những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, giai đoạn 2018 – 2022 TP đã triển khai thực hiện hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng theo quy định của Trung ương và một số nhóm đối tượng đặc thù của TP. Tuy nhiên, các chính sách vẫn chưa bao phủ khắp các đối tượng cần hỗ trợ.

Tính đến nay, Hà Nội còn 190.641 người cao tuổi từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi chưa có thẻ BHYT (nhóm tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi còn 61.559 người); 13.540 người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ BHYT.

Số học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT là 26.000 người (trong đó số học sinh, sinh viên đang học tại các trường của Hà Nội là 9.586 người). Số người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình được cấp thẻ BHYT là 9.362 người (đối tượng này đang được TP hỗ trợ 30% mức đóng BHYT).

Tuy nhiên, từ 1/7/2023, mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng dẫn đến mức đóng BHYT tăng theo nên việc tham gia BHYT của người dân gặp khó khăn nhất là nhóm người khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và các hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình.

Ngày 6/12/2023, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ 14 đã thông qua Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi.
Ngày 6/12/2023, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ 14 đã thông qua Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi.

Để đảm bảo chỉ tiêu Trung ương giao đến 2025, tỷ lệ người dân tham gia BHYT là 95,15% và chủ trương của Thành phố tại Chương trình 08-CTr/TU ngày 17/03/2021 của Thành ủy: “Mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp, tiến tới bảo hiểm xã hội, BHYT toàn dân”.

Ngày 6/12/2023, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ 14 đã thông qua Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi; người khuyết tật nhẹ; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024 – 2025

Theo đó, đối tượng và mức hỗ trợ được quy định như sau:

Người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi đang thường trú trên địa bàn thành phố Hà Nội không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc: Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT.

Người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ BHYT đang thường trú trên địa bàn thành phố Hà Nội (không bao gồm trẻ em khuyết tật nhẹ dưới 16 tuổi): Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT.

Học sinh, sinh viên đang thường trú trên địa bàn Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn của TP, chưa được cấp thẻ BHYT đang tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (kể cả công lập và ngoài công lập) được UBND TP Hà Nội quyết định thành lập hoặc phân cấp cho Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã quyết định thành lập: Hỗ trợ thêm 70% mức đóng BHYT.

Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn của TP đang thường trú trên địa bàn Hà Nội (quy định tại Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 05/9/2021 của UBND TP về việc quy định chuẩn nghèo đa chiều của Hà Nội): Hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT.

Thời gian hỗ trợ từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2025.

Theo đó, nguồn ngân sách TP bổ sung cho ngân sách quận, huyện, thị xã trong giai đoạn 2014 – 2025 để thực hiện chính sách theo quy định đối với các đối tượng:

Người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi (không bao gồm trẻ em khuyết tật nhẹ dưới 16 tuổi) đang thường trú trên địa bàn Hà Nội chưa có thẻ BHYT.

Học sinh, sinh viên đang thường trú trên địa bàn Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn của TP, chưa được cấp thẻ BHYT đang tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do UBND các quận, huyện, thị xã quản lý.

Nguồn ngân sách cấp TP để thực hiện chính sách theo quy định đối với các đối tượng:

Học sinh, sinh viên đang thường trú trên địa bàn thành phố Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn của TP, chưa được cấp thẻ BHYT đang tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do TP và các Sở, ngành quản lý.

Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn của TP đang thường trú trên địa bàn Hà Nội.

Việc hỗ trợ thêm mức đóng BHYT là chính sách phù hợp với tình hình thực tế nhằm phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.

Đồng thời chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, Chính quyền TP đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập không ổn định trong xã hội; là động lực để cổ vũ, động viên các đối tượng được thụ hưởng chính sách vươn lên trong cuộc sống.