Hà Nội hỗ trợ làng nghề kết nối sản xuất và tiêu dùng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/12, tại huyện Thường Tín, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức lễ khai mạc chương trình Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững làng nghề truyền thống TP Hà Nội năm 2021.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, hoạt động này nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững TP Hà Nội năm 2021. Chương trình được tổ chức giúp bảo tồn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát huy và giữ gìn cho ngành nghề truyền thống phát triển bền vững và ổn định. Đồng thời hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Đại biểu tham quan sản phẩm làng nghề tại lễ khai mạc

Chương trình thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của UBND TP Hà Nội trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Chương trình được tổ chức sẽ kết nối các chuỗi sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất ngành thủ công mỹ nghệ, quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, góp phần vực lại sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn”, ông Thanh Hải nêu rõ.
 Khai mạc chương trình sáng 3/12

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống tham gia chương trình phải đáp ứng 9 tiêu chí từng giai đoạn từ quá trình sản xuất, sản phẩm, hàng hóa, hệ thống phân phối.
Cụ thể nguyên vật liệu sử dụng không dùng hóa chất thuộc danh mục hóa chất cấm, hóa chất độc hại được quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ để xử lý và bảo quản các loại nguyên liệu sản xuất.
Hàm lượng formadehyt và nồng độ chì trong nguyên phụ liệu thấp hơn mức giới hạn theo Tiêu chuẩn Việt Nam 11205:2015 và TCVN 10065:2013 của Bộ KH&CN. Riêng với các sản phẩm xuất khẩu thì nồng độ chì trong sơn phủ bề mặt phải dưới 0,009% theo tiêu chuẩn CPSIA - Mỹ.
Ngoài ra đơn vị sản xuất phải đảm bảo nhãn mác sản phẩm đầy đủ các thông tin: Thành phần nguyên liệu, thông số kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng, bảo quản, năm sản xuất, nơi sản xuất theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ.
Chương trình được tổ chức từ ngày 3 - 5/12 tại huyện Thường Tín, thu hút 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống trưng sản phẩm, qua đó kết nối sản xuất và tiêu dùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần