Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Khối lượng lớn các đồ án quy hoạch chưa được phê duyệt

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 25/12, Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội đã có buổi giám sát với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (Viện QHXD) về tình hình thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Bà Bùi Huyền Mai - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm trưởng Đoàn giám sát.

Ông Lưu Quang Huy - Giám đốc Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết, để triển khai thực hiện cụ thể hóa đồ án Quy hoạch chung Thủ đô theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QHC1259), phục vụ công tác quản lý về đầu tư, trật tự xây dựng đô thị, để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, TP Hà Nội đã triển khai lập quy hoạch tại đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và 3 thị trấn sinh thái.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Tại đô thị trung tâm có tổng số 38 đồ án quy hoạch phân khu đô thị thì Viện QHXD được giao tổ chức lập 35 đồ án và 3 đồ án do Bộ Xây dựng tổ chức lập. Đến nay, đã có 26 đồ án được phê duyệt với tổng diện tích khoảng 59.552ha, 9 đồ án quy hoạch phân khu đang trình thẩm định, phê duyệt với tổng diện tích khoảng 16.012ha (gồm 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, 3 đồ án quy hoạch phân khu: sông Hồng, sông Đuống và GN-A).
Trong 5 đô thị vệ tinh, Viện QHXD được giao tổ chức lập 3 đồ án quy hoạch chung là Xuân Mai, Sơn Tây và Hòa Lạc. Các đồ án chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được Viện lập và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm có Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô và Quy hoạch Xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Từ năm 2010 đến nay, Viện QHXD được giao tổng số 162 đồ án. Trong đó, giai đoạn 2010 - 2011 là 11 đồ án, giai đoạn 2011 - 2015 là 99 đồ án và giai đoạn 2016 - 2019 là 52 đồ án. Đến nay đã hoàn thành lập,thẩm định, phê duyệt được 101/162 đồ án, đạt tỷ lệ 62,4%; đang triển khai thực hiện 15/162 đồ án, đạt tỷ lệ 9,2%; tạm dừng thực hiệnđể chuyển chủ đầu tư lập và rà soát, đánh giá 46/162 đồ án, đạt tỷ lệ 28,4%.
Về những khó khăn vướng mắc trong quá trình cụ thể hóa QHC1259, ông Lưu Quang Huy cho biết, đối với khu vực nội đô lịch sử dân số hiện nay cao hơn nhiều so với dân số tại đồ án quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt (định hướng giảm từ 1,2 triệu người xuống còn 800.000 người, tuy nhiên hiện trạng đang là 1,3 triệu người) dẫn đến khó khăn trong công tác tính toán các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ảnh hưởng đến công tác thẩm định, trình phê duyệt.
Ngoài ra, theo đồ án QHC1259, quy hoạch hai bên sông Hồng được định hướng phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê và quy hoạch đê điều. Tuy nhiên, hiện 2 đồ án này đang được điều chỉnh, do vậy đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống cũng phải được rà soát, điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch chuyên ngành.
Một khó khăn nữa, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cũng đề cập đó là trong công tác lập và thẩm định, phê duyệt, thời gian lập quy hoạch không thống nhất giữa đơn vị tư vấn lập nhiệm vụ quy hoạch và đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch. Dẫn đến các đơn vị tư vấn vừa lập nhiệm vụ vừa lập đồ án quy hoạch, không đủ thời gian lập quy hoạch theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, chưa có các quy định, hướng dẫn về công tác quản lý dự án lập quy hoạch khiến công tác tổ chức, triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình thực hiện, vẫn có khối lượng lớn các đồ án quy hoạch chưa được phê duyệt nhiệm vụ, phê duyệt quy hoạch, đặc biệt là các quy hoạch nghĩa trang, quy hoạch chung cư cũ,... gặp nhiều khó khăn trong công tác lấy ý kiến địa phương, cộng đồng dân cư và tạo đồng thuận...
Trước những khó khăn vướng mắc, Viện QHXD Hà Nội kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép rà soát đánh giá QHC 1259 sau gần 10 năm thực hiện để xem xét trong bối cảnh Luật Quy hoạch có hiệu lực, từ đó định hướng phát triển không gian TP trên khía cạnh tích hợp, liên ngành. Bộ Xây dựng sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản điều chỉnh các luật có liên quan. Sớm ban hành hướng dẫn lập "Quy chế quản lý kiến trúc" thay thế "Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc".
Về phía TP Hà Nội sớm phê duyệt các quy hoạch phân khu đô thị, đặc biệt quy hoạch phân khu trong đô thị trung tâm, phân khu sông Hồng, phân khu sông Đuống. Xem xét hiệu quả và tính khả thi của Luật Thủ đô cho phù hợp với bối cảnh mới, đề xuất Quốc hội cho phép điều chỉnh nếu cần để Luật đi vào cuộc sống đối với các điều khoản tác động đến quy hoạch xây dựng...
Kết luận buổi giám sát, bà Bùi Huyền Mai - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách đại biểu Quốc hội TP Hà Nội ghi nhận những công việc mà Viện QHXD đã và đang triển khai trên địa bàn TP Hà Nội. Bên cạnh những thành tích đạt được thì vẫn còn những tồn tại hạn chế cần khắc phục.
Cụ thể, việc ban hành quy chế kiến trúc của TP còn chậm 3 năm 2 tháng. Việc triển khai các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn chậm. Yêu cầu Viện hoàn thiện báo cáo gửi cho Đoàn giám sát trước ngày 31/12 theo đúng quy định, báo cáo giải trình cần làm rõ các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.
Thay mặt đoàn giám sát, bà Bùi Huyền Mai ghi nhận các ý kiến đề xuất của Viện QHXD đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, Viện phải chủ động đề xuất về các giải pháp cụ thể, ví dụ như việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, có giải pháp đẩy nhanh các quy hoạch, đề xuất có giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, đổi mới xây dựng cơ sở dữ liệu hướng đến xây dựng trung tâm thông tin về quy hoạch...