Hà Nội: không nương tay với vi phạm an toàn thực phẩm
Kinhtedothi - Các quận nội đô của Hà Nội như Hoàn Kiếm, Thanh Xuân có số lượng hộ sản xuất - kinh doanh thực phẩm lớn nhưng chủ yếu là nhỏ lẻ, lại tập trung tại các khu vực dân cư đông đúc. Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống nguy cơ ngộ độc là vấn đề đặc biệt quan trọng.
Xử lý nghiêm vi phạm
Quận Thanh Xuân có 9 phường với khoảng 30 vạn dân. Thống kê trên địa bàn quận này hiện có hơn 2.600 cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm nhưng chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ. Cùng với đó là 19 chợ, trung tâm thương mại, siêu thị.
Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, quận đã sớm xây dựng kế hoạch, ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo. Đặc biệt, đã thành lập hàng chục đoàn liên ngành để kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm.
Thống kê từ ngày 15/4/2025 đến nay, toàn quận đã kiểm tra 109 cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm. Trên cơ sở giám sát, cơ quan chức năng đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 trường hợp, với tổng số tiền phạt 34,4 triệu đồng.

Đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội kiểm tra một nhà hàng tại quận Thanh Xuân.
Ngoài ra, Đội Quản lý thị trường số 12 cũng đã kiểm tra, xử lý 5 cơ sở có vi phạm với tổng số tiền 47 triệu đồng. Tiêu huỷ giá trị hàng hoá gần 33 triệu đồng, chủ yếu là bánh kẹo, sữa và thực phẩm chức năng.
Tại quận Hoàn Kiếm, số lượng cơ sở sản xuất - kinh doanh còn lớn hơn rất nhiều, lên tới gần 3.200 cơ sở. Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Hồng Diệp cho biết, triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, quận đã chỉ đạo 18/18 phường tổ chức phát động, và ký cam kết đối với các hộ kinh doanh thực phẩm theo quy định.
Cùng với đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ thể sản xuất - kinh doanh, quận Hoàn Kiếm tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Thống kê từ ngày 15/4/2025 đến nay, toàn quận đã kiểm tra 80 cơ sở, tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm đối với 6 cơ sở, với tổng số tiền gần 63 triệu đồng.
Bảo đảm an toàn thực phẩm trong cả năm
Thực tế công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm cho thấy, vẫn còn nhiều nỗi lo. Đơn cử như tại quận Thanh Xuân, có nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống tại các khu chung cư cũ nên không thể cấp giấy chứng nhận, gây khó khăn trong công tác quản lý. Các cơ sở hoạt động cũng không ổn định, thường xuyên đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc thay đổi chủ…
Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo của quận sẽ tiếp tục tập trung giám sát có trọng tâm, trọng điểm các loại hình thực phẩm có nguy cơ cao như bếp ăn trường học, các cơ sở dịch vụ ăn uống… Tăng cường hậu kiểm, đánh giá các cơ sở kinh doanh sau khi cấp phép.
Đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội do Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các quận, huyện.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn nhấn mạnh, công tác an toàn thực phẩm luôn được quận xác định là nhiệm vụ quan trọng, từ đó quyết liệt chỉ đạo các phòng ban ngành, cấp uỷ và chính quyền các phường tích cực vào cuộc.
Cùng với triển khai đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục triển khai đợt cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm, có trọng tâm trọng điểm, nhất là trường học và người bán hàng rong tại không gian phố đi bộ; đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm.
Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm hai quận Thanh Xuân và Hoàn Kiếm mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội), Phó trưởng đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội, đề nghị các đơn vị tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phấn đấu không chỉ quyết liệt trong Tháng hành động mà phải thực hiện thường xuyên, liên tục trong cả năm 2025.
Đại diện đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội cũng đề nghị Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm hai quận Thanh Xuân và Hoàn Kiếm tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và Hà Nội về bảo đảm an toàn thực phẩm. Duy trì công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn kiến thức cho hộ sản xuất - kinh doanh, đồng thời tăng cường hoạt động thanh kiểm tra đột xuất để xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm.

Huyện Sóc Sơn: làm rõ trách nhiệm vụ xây dựng trường học trên đất nông nghiệp
Kinhtedothi - Một công trình trường học tại xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) được xác định xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Sau khi nhận được phản ánh, UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.

Huyện Phúc Thọ: cuối tháng 4, đấu giá gần 22.000m2 đất nông nghiệp công ích
Kinhtedothi - 21.905m2 đất nông nghiệp công ích thuộc xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) sẽ được đưa ra đấu giá cho thuê vào cuối tháng 4/2025. Mục đích sử dụng là trồng cây hàng năm và nuôi trồng thủy sản.

Chính phủ đề nghị tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
Kinhtedothi- Sáng 15/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2030.