Phát huy tính sáng tạo của cán bộ, công chức
Với sự tham mưu của Sở Nội vụ Hà Nội, năm 2024 là năm đầu tiên TP Hà Nội triển khai Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính (CCHC)” trên toàn TP, đã đạt kết quả vượt ngoài mong đợi.
Theo Phòng CCHC (Sở Nội vụ Hà Nội), 11 tháng năm nay, TP ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác CCHC. Những nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị và sự tham gia tích cực của người dân đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền và phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn.
Đặc biệt, tháng 4/2024, UBND TP ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp CCHC TP Hà Nội năm 2024”, được kỳ vọng sẽ tìm ra những ý tưởng, giải pháp đột phá góp phần cải thiện Chỉ số CCHC và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động các cơ quan, đơn vị; là cơ hội để phát huy tính năng động, sáng tạo, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) TP. Mỗi ý tưởng, sáng kiến đóng góp rất quan trọng, mang lại hiệu quả xã hội và góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức.
Qua 7 tháng được khởi động, Cuộc thi đã thu hút 100% cơ quan, đơn vị tham gia và nhận được tổng cộng 196 bài dự thi từ 53 đội thi của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thuộc TP, trong đó khối sở, ban, ngành 31 bài dự thi và khối quận, huyện, thị xã 165 bài dự thi.
Đáng kể, trong 8 lĩnh vực được phát động, lĩnh vực "Chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước" có số lượng bài dự thi lớn nhất, với 109 bài (chiếm tỷ lệ 57%); lĩnh vực “Cải cách thủ tục hành chính (TTHC)” 25%, lĩnh vực “Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông” 10%; các lĩnh vực khác 8%.
Theo quy định, quá trình chấm thi được tổ chức qua 2 vòng sơ loại và chung khảo. Trong tháng 8/2024, Ban Giám khảo vòng sơ loại (Giám đốc Sở Nội vụ làm Trưởng ban và thành viên là lãnh đạo một số sở, ngành tham mưu các lĩnh vực CCHC, lãnh đạo các cơ quan Đảng, đoàn thể) đã tiến hành chấm điểm các bài dự thi, với tổng cộng 392 lượt chấm.
Tiêu chí chấm điểm dựa trên phiếu được quy định trong Thể lệ Cuộc thi, với các nội dung đánh giá trọng tâm: tính mới, sự khác biệt của sáng kiến, giải pháp so với giải pháp cũ; cách thức, các bước thực hiện; khả năng áp dụng vào thực tiễn; tính khả thi, tính hiệu quả, lợi ích thu được do áp dụng sáng kiến, giải pháp.
Kết thúc vòng sơ loại, TP đã chọn ra 11 bài thi xuất sắc nhất, trong đó, 6 bài đã tham gia vòng Chung khảo vừa được tổ chức cuối tuần qua, từ đó đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 bài được xếp giải Khuyến khích.
“Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, giải pháp CCHC TP Hà Nội năm 2024" đã tìm ra những giải pháp có tính ứng dụng cao, góp phần lan tỏa tinh thần cải cách, xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả, hiện đại. Những ý tưởng, giải pháp xuất sắc từ đây không chỉ dừng lại ở mức thi đua mà sẽ được triển khai thực tế, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, DN, từ đó xây dựng một Hà Nội phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Kết quả cao trong năm đầu tiên này là tiền đề để TP nhân rộng, triển khai các năm tiếp theo”- Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh.
Minh chứng cho cam kết hướng tới phục vụ người dân tốt hơn
Thực tế cho thấy, tuy lần đầu tiên được tổ chức, Cuộc thi đã thu hút số lượng lớn bài dự thi, trong đó xuất hiện nhiều sáng kiến xuất sắc nổi bật ngay từ cấp cơ sở, có thể mang lại những lợi ích đáng kể trong nâng cao hiệu quả làm việc, cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công (DVC) và tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC. Những giải pháp, sáng kiến từ các tập thể, cá nhân không chỉ thể hiện sự sáng tạo mà còn đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân, DN.
Tiêu biểu trong lĩnh vực “Cải cách TTHC”, giải pháp thay thế máy xếp hàng tự động tại UBND quận Long Biên giúp cải thiện quy trình làm việc tại Bộ phận “một cửa”, giảm thời gian chờ đợi cho người dân, đã được trao giải Nhì tại Chung khảo Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp CCHC TP Hà Nội năm 2024”. Hệ thống mới sử dụng công nghệ thông minh để phân luồng và sắp xếp thứ tự phục vụ, giúp tối ưu hóa việc xử lý yêu cầu của công dân.
Trưởng Phòng Nội vụ UBND quận Long Biên Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ, tính mới của thiết bị này là có thể thay thế máy lấy số tự động hiện nay mà vẫn bảo đảm giữ thứ tự, ưu tiên cho công dân, tổ chức khi giao dịch; không đòi hỏi bảo trì hàng năm; hoạt động theo cơ chế sạc với nguồn điện năng tiêu thụ rất thấp; không yêu cầu phần mềm, kết nối internet, kích thước lại nhỏ gọn.
Trong khi, thiết bị không làm tiêu hao vật tư phụ liệu; không xả giấy ra môi trường, qua đó tiết kiệm công sức vệ sinh trụ sở; không phát tiếng ồn do gọi loa, mà tầm bán kính hoạt động lớn, nên hỗ trợ công dân không phải ngồi liên tục chờ đến lượt như giải pháp cũ. Ngoài ra, tần suất tái sử dụng thẻ lớn; dễ thay thế linh kiện do sản phẩm được bán rộng rãi trên thị trường, nhiều lựa chọn.
“Đặc biệt, chi phí mua sắm thiết bị này khá thấp, tiết kiệm tới 90% dự toán đầu tư mua sắm mới, đồng thời giảm được toàn bộ kinh phí bảo trì hàng năm cho hệ thống. Qua 1 năm sử dụng đã phục vụ hơn 200.000 lượt hồ sơ TTHC, trong khi không có thiết bị nào hỏng hóc phải thay thế, bảo trì”- bà Nguyễn Thị Thu Hằng thông tin.
Tại UBND huyện Mê Linh, giải pháp tích hợp “thủ tục liên thông đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận thông báo nhắc lịch tiêm chủng cho trẻ từ 0 đến 24 tháng tuổi” cũng thể hiện hiệu quả cao khi giúp các gia đình có trẻ nhỏ thực hiện 2 TTHC quan trọng chỉ trong một lần đăng ký, tiết kiệm thời gian, công sức và tăng cường tính liên thông giữa các TTHC.
Đối với huyện Chương Mỹ, mô hình “Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại các cơ quan hành chính từ 15 ngày xuống 10 ngày” của UBND huyện đã giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, bớt thủ tục phức tạp và tạo thuận lợi cho những cặp đôi có yếu tố nước ngoài hoàn thành thủ tục pháp lý, từ đó có thể nhanh chóng ổn định cuộc sống và kế hoạch chung.
Về cải cách chế độ công vụ, nổi lên có giải pháp ứng dụng phần mềm chấm điểm Chỉ số CCHC hàng tháng tại quận Bắc Từ Liêm, giúp đánh giá hiệu suất làm việc của các phòng, ban, UBND phường, qua đó tạo động lực để các đơn vị cải thiện chất lượng công việc, tăng tính minh bạch và trách nhiệm của CBCCVC.
Bằng việc đánh giá hàng tháng các chỉ số CCHC của phòng, ban và UBND phường, lãnh đạo quận dễ dàng xác định những vấn đề cần cải thiện, đưa ra biện pháp điều chỉnh kịp thời. Giải pháp này cũng đã được trao giải Nhì tại Cuộc thi cấp TP.
Về chuyển đổi số và ứng dụng CNTT, giải pháp xây dựng nền tảng “Công dân thủ đô số - iHanoi” của Văn phòng UBND TP xuất sắc giành giải Nhất tại Cuộc thi cấp TP. Theo đại diện đơn vị này, ý tưởng được phát triển với mục tiêu xây dựng một nền tảng số đồng bộ cho cư dân Thủ đô, iHanoi không chỉ cung cấp DVC trực tuyến mà còn tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, phản ánh những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Đây là bước đi tiên phong hướng tới xây dựng đô thị thông minh, hiện đại cho Hà Nội.
Trong lĩnh vực này ngay từ cấp xã đã xuất hiện những đơn vị rất tích cực, tiêu biểu là mô hình “Truyền thông về kiểm soát TTHC qua nền tảng Tiktok” tại thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức). Với việc sử dụng mạng xã hội như Tiktok, công chức Bộ phận “một cửa” thị trấn đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về cải cách TTHC và cơ chế "một cửa, một cửa liên thông"; tạo tương tác, thu hút quan tâm của cộng đồng nhất là giới trẻ- những công dân số trong tương lai.
Bên cạnh đó, qua Cuộc thi cũng xuất hiện những ý tưởng, giải pháp cơ động hướng tới người dân; giúp nâng cao tính tiện lợi, đáp ứng nhanh nhu cầu giải quyết TTHC đặc biệt là nhóm người yếu thế trong xã hội. Nổi bật lên có thể thấy mô hình của Sở Y tế Hà Nội- "Đón tiếp khám chữa bệnh bằng Kiosk tự phục vụ".
“Tại Bệnh viện, mô hình giúp giảm TTHC, các bước chờ đợi để người bệnh được vào phòng khám không phải mang nhiều giấy tờ, hệ thống an toàn thông tin kết hợp nhận diện khuôn mặt và các thông tin dữ liệu chính xác. Cùng đó, góp phần ngăn chặn trục lợi BHXH, tự động hóa giảm rủi ro sai sót xuất phát từ nhập liệu thủ công; tích hợp nhiều tính năng trên Kiosk (tiếp đón, thanh toán…); chuẩn hóa dữ liệu đầu vào trong khám chữa bệnh với 18 trường thông tin đọc được từ chip của CCCD/VneID”, Trưởng Phòng CNTT Bệnh viện Xanh-pôn Đoàn Tiến Minh cho hay.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, nhiều cơ quan, đơn vị hưởng ứng mạnh mẽ, có số bài dự thi lớn và chất lượng đồng đều, như UBND các huyện Mỹ Đức, Ba Vì, UBND quận Cầu Giấy…, đã góp phần tích cực vào tính lan tỏa của Cuộc thi. Những sáng kiến xuất sắc tham gia thi không chỉ thể hiện tinh thần sáng tạo, đổi mới của các CBCCVC mà còn minh chứng cho cam kết của Hà Nội trong việc cải thiện hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, hướng tới phục vụ người dân tốt hơn.