Hà Nội luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/9, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội (HANSIBA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ và triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành CNHT thủ đô Hà Nội giai đoạn 2017 - 2019 định hướng 2025.

Tới dự có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn.
Tại hội nghị, các chuyên gia và DN ngành CNHT đã chia sẻ những khó khăn, thách thức, đồng thời đưa ra các kiến nghị để phát triển ngành CNHT của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch HANSIBA nhận định, việc chủ trương tập trung phát triển mạnh ngành CNHT Việt Nam là định hướng vô cùng chính xác của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên thực tế còn gặp một số trở ngại do nguồn lực của các DN còn hạn chế, cơ chế chính sách để đi vào cuộc sống của DN chưa kịp thời…
 Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thăm một gian hàng giới thiệu sản phẩm của DN. Ảnh: Hoàng Anh
Toàn cầu hóa sẽ vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với DN Việt Nam. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Luật CNHT và trình Quốc hội sớm ban hành trong thời gian tới; Nghiên cứu, xây dựng ban hành "Bộ tiêu chí đánh giá DN CNHT đạt chuẩn" đảm bảo rõ ràng, minh bạch, cụ thể… Về phía Hà Nội, vị này mong muốn, TP có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho các DN CNHT; Quan tâm và có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các DN khởi nghiệp, khởi tạo trong lĩnh vực CNHT và CNHT cho Công nghệ cao…
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: CNHT luôn được coi là bộ phận công nghiệp rất quan trọng, đóng vai trò to lớn trong thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư, gia tăng xuất khẩu, nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất của ngành công nghiệp. Năm 2007, TP Hà Nội đã xác định phát triển CNHT là một trong các mục tiêu phát triển kinh tế của thành phố. Thành phố cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để xúc tiến đầu tư thương mại, khuyến khích phát triển CNHT, thành lập khu CNHT…
Đến nay, trên địa bàn Thủ đô đã hình thành được hệ thống DN chuyên sâu về CNHT với đông đảo DN tham gia. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu về CNHT như Bắc Thăng Long - Nội Bài, Quang Minh, các khu công nghiệp này được điều phối, dẫn dắt bởi các tập đoàn quốc gia, đa quốc gia và tập trung nhiều tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài, có trình độ chuyên môn hóa cao, tạo hiệu quả lớn trong sản xuất.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn cũng thẳng thắn cho rằng, bên cạnh những thành quả trong phát triển CNHT, Hà Nội vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: tỷ lệ nội địa hóa, năng suất, chất lượng thấp so với nhiều nước trong khu vực; ngành CNHT mới dừng lại ở chế tạo, gia công các sản phẩm đơn giản, giá trị gia tăng thấp; năng lực cạnh tranh của DN còn thấp dẫn đến nhiều DN phải đóng cửa hoặc phá sản.
 Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải làm việc với Hansiba. Ảnh: Hoàng Anh
Giai đoạn 2017 - 2020, TP Hà Nội đã ban hành Đề án tiếp tục phát triển CNHT và mục tiêu đến năm 2020 Hà Nội sẽ có khoảng 900 DN chuyên sâu về CNHT, trong đó có 40% DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Để đề án đi vào cuộc sống, hàng năm thành phố sẽ tiếp tục ban hành, triển khai các chương trình phát triển cụ thể. Tập trung hỗ trợ hiệu quả hơn cho các DN, kết nối các DN Việt Nam với các DN nước ngoài. Thu hút, kêu gọi các DN đầu tư vào CNHT. Hỗ trợ DN Việt Nam trong việc quản lý, quản trị quốc tế, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện phát triển cho các DN CNHT.
Thành phố cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để triển khai các chính sách về phát triển CNHT do Chính phủ ban hành, đồng thời kiến nghị để có những chính sách đặc thù phù hợp và tận dụng tiềm năng phát triển của Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần