UBND TP đã có báo cáo tổng kết chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 theo Quyết định số 705/QĐ-TTg và Kế hoạch số 204/KH-UBND của UBND TP Hà Nội.
Cuộc thi Hòa giải viên giỏi TP Hà Nội - phổ biến pháp luật hiệu quả cho người dân |
Trong đó xác định, TP Hà Nội luôn xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ quan trọng, là cầu nối đưa pháp luật đến với cuộc sống, là cơ sở để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Hà Nội xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trong nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã chỉ đạo, quán triệt sâu sắc đến các cấp, các ngành, đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PBGDPL, coi đây là khâu đầu tiên, là cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống. Công tác PBGDPL được các cấp, các ngành triển khai rộng.
Về triển khai thực hiện “Ngày pháp luật”, hàng năm, UBND TP Hà Nội đều ban hành kế hoạch hướng ứng Ngày pháp luật Việt Nam theo hướng dẫn chỉ đạo hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của T.Ư. Các cấp, các ngành TP đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và tổ chức các hoạt động sôi nổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo các chủ đề từng năm. UBND TP phối hợp Bộ Tư pháp tổ chức thành công lễ hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam phạm vi toàn quốc, UBND TP tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam trên địa bàn Hà Nội hằng năm gắn với sơ kết, tổng kết công tác PBGDPL, tổng kết và trao giải thưởng các cuộc thi tìm hiểu pháp luật...
Bên cạnh đó, các đơn vị của TP đến các quận, huyện, thị xã tổ chức các hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật (số hội nghị và số lượt người tham dự tham dự tăng dần theo các năm). TP tăng cường giao lưu, đối thoại, nâng cao hiệu quả pháp luật thông qua việc tổ chức hội nghị, tọa đàm, giao lưu, giải đáp pháp luật. Việc tuyên truyền văn bản pháp luật mới, văn bản pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người dân và DN, các văn bản pháp luật liên quan đến những vấn đề nóng, bức xúc trong dư luận, những văn bản pháp luật triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP được được đẩy mạnh. Từ năm 2017 đến tháng 6/2021, các cấp, các ngành của TP đã tổ chức 43.813 hội nghị với 7.741.739 lượt người tham dự.
TP tăng cường in ấn phát hành miễn phí 23.339.648 bản tài liệu PBGDPL cấp phát đến sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và Nhân dân trên địa bàn Hà Nội. Nội dung tập trung những văn bản pháp luật mới liên quan trực tiếp cho người dân như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Trẻ em, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về PCCC, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao giải cho các cá nhân đoạt giải 2 cuộc thi nhằm đẩy mạnh công tác PBGDPL, tháng 11/2020 |
Cùng đó, TP thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Hiện nay, TP đang triển khai cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19, đến ngày 30/7 đã thu hút 960.597 bài dự thi chính thức); thi qua hình thức xây dựng vi deo (cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng”). Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sinh viên, học sinh và Nhân dân trên địa bàn Thủ đô tham gia, đã trở thành phong trào tìm hiểu pháp luật sôi nổi trên địa bàn Thủ đô.
Việc PBGDPL trên phương tiện thông tin đại chúng ngày càng được tăng cường. Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT&TT thường xuyên có văn bản chỉ đạo các cơ quan, báo chí của TP đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL thông qua các nội dung liên quan đến tuyên truyền các văn bản pháp luật, việc thực thi pháp luật, áp dụng pháp luật, giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật gây bức xúc trong dư luận, xây dựng nhiều ứng dụng tuyên truyền qua mạng zalo, mạng Lotus... TP đẩy mạnh PBGDPL qua Trang thông tin điện tử tuyên truyền, PBGDPL của Hội đồng PBGDPL TP, qua Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL.
TP đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở. Hàng tháng, TP (Sở Tư pháp) biên soạn tài liệu về pháp luật đề tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở. Trong các đợt cao điểm tuyên truyền pháp luật về bầu cử, về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, TP (Sở Tư pháp) biên soạn mức xử phạt vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch với nội dung dễ hiểu, ngắn gọn và đẩy mạnh tuyên mạnh tuyên truyền tới cán bộ và Nhân dân.
Việc PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, tín đồ tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, thanh thiếu niên, phụ nữ, công nhân, nạn nhân bị bạo lực gia đình, phạm nhân ở trại giam, cơ sở giáo dưỡng, người hưởng án treo, người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo, người cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy của TP được các cấp, các ngành quan tâm triển khai với nhiều nội dung, hình thức phù hợp.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật phòng, chống dịch Covid-19 thu hút đông đảo người tham gia |
Việc PBGDPL trong nhà trường đã được các cấp, các ngành trên địa bàn Thủ đô đẩy mạnh. Ngành Giáo dục TP đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác PBGDPL trong các nhà trường với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú như: Tích hợp, lồng ghép trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non để hình thành và phát triển ý thức, hành vi, thói quen tốt, phù hợp lứa tuổi “học mà chơi, chơi mà học”. Thực hiện dạy học các môn đạo đức, giáo dục công dân trên cơ sở lựa chọn các nội dung có giá trị, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, tâm sinh lý, tình cảm và sự phát triển của học sinh, giáo dục chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh, huy động sự tham gia của học sinh vào việc xây dựng các tiểu phẩm, câu chuyện mang ý nghĩa tuyên truyền PBGDPL;
Ngoài ra, các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến cho đối tượng thanh, thiếu niên như Sở Tư pháp tích cực tham mưu UBND TP đẩy mạnh chỉ đạo triển khai Đề án nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên. Công an TP đã phối hợp với nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các sinh viên đầu khóa pháp luật liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn. Thành đoàn Hà Nội triển khai nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút cho đối tượng thanh thiếu niên, sinh viên trên địa bàn tham gia….
Ngoài ra, tiếp tục nhân rộng và phát huy nhiều mô hình PBGDPL có hiệu quả trong cộng đồng dân cư, như: Hội Nông dân TP phát triển mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, Hội LHPN thực hiện mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, câu lạc bộ “Phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông”, “địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; MTTQ TP xây dựng mô hình nhóm nòng cốt. Thành đoàn với mô hình “Câu lạc bộ lý luận trẻ”, “Câu lạc bộ sinh viên với pháp luật”; Hội luật gia với mô hình “Tổ phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý”, Sở Tư pháp với mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”...
TP cũng xây dựng nhiều mô hình mới trong cộng đồng dân cư tổ dân phố điện tử, tổ tự quản khu nhà trọ, cầu thang pháp luật, loa kéo, loa trong khu chung nhà chung cư, chạy chữ trên truyền hình, video clip, infographic... Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, qua Cổng/ Trang thông tin điện tử, qua hệ thống loa, mạng xã hội như dụng zalo, facebook, fanpage, tin nhắn điện tử, thư điện tử, giao lưu trực tuyến, ứng dụng trên thiết bị điện tử... Đẩy mạnh tuyên truyền qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, đặc biệt cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, cuộc thi qua hình thức xây dựng video, qua các nền tảng mạng xã hội…