Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẵn sàng cho tăng trưởng kinh tế số

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, vì vậy, TP đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm và cấp thiết nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Phát huy tiềm năng lợi thế

Theo Kế hoạch số 239/KH-UBND của UBND TP về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu kinh tế số phát triển mạnh mẽ; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nội vào năm 2030 chiếm 40% (năm 2025 đạt 30%), tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%...

Hà Nội sẽ trở thành trung tâm sáng tạo của quốc gia. Ảnh minh hoạ
Hà Nội sẽ trở thành trung tâm sáng tạo của quốc gia. Ảnh minh hoạ

Chương trình chuyển đổi số TP Hà Nội nhằm thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực toàn cầu.

Sở TT&TT Hà Nội đã triển khai và hướng dẫn các đơn vị của TP thực hiện Đề án “Xây dựng TP Hà Nội thông minh đến 2025, định hướng đến 2030”; kiến trúc Chính quyền điện tử TP Hà Nội; chương trình Chuyển đổi số TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...

Cụ thể, đến năm 2025, Hà Nội thuộc nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng. Hà Nội đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông - Nam Á về Khoa học dữ liệu (Data Science) và Trí tuệ nhân tạo (AI).

Về phát triển Chính quyền số, TP phấn đấu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4. 90% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 80% hồ sơ cấp huyện và 60% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm. 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin. Cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử của thành phố trước năm 2025, hướng tới hình thành chính quyền số TP Hà Nội…

Chuyên gia TS Võ Trí Thành đánh giá, Hà Nội có lợi thế mạng lưới hạ tầng về khoa học, công nghệ (KHCN) mạnh, tập trung các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ dồi dào, có vị thế hàng đầu của cả nước. Trong những năm qua, các cấp lãnh đạo luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đưa ra nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá, tăng cường đầu tư cho xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ theo hướng ưu tiên trọng điểm quốc gia; liên tục đổi mới công tác quản lý KHCN phù hợp với tình hình mới theo hướng tạo điều kiện tối đa cho đổi mới sáng tạo. Triển khai những cơ chế, chính sách phù hợp, Hà Nội đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động KHCN, tạo đà cho việc hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của TP về phát triển, xây dựng Hà Nội trở thành địa phương đi đầu trong chuyển đổi số.

Tạo cơ chế cho KHCN và đổi mới sáng tạo bứt phá

Hiện nay, TP Hà Nội thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, an toàn, an ninh mạng.

Hà Nội không ngừng nỗ lực số hóa thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị của TP
Hà Nội không ngừng nỗ lực số hóa thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị của TP

Trên cơ sở pháp lý đã ban hành, chính quyền điện tử đã phát huy hiệu quả trong đời sống. Bên cạnh các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi như dân cư, doanh nghiệp bảo hiểm... được duy trì, khai thác hiệu quả, TP đã ban hành các văn bản, kế hoạch để khuyến khích, định hướng người dân, tổ chức và doanh nghiệp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn; xây dựng, phát triển thương mại điện tử; triển khai hóa đơn, biên lai điện tử...

Về doanh nghiệp công nghệ số, đến năm 2022, trên địa bàn TP có hơn 9.300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử với tổng doanh thu khoảng 12,8 tỷ USD, thu hút hơn 207.000 lao động.

Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã làm chủ các công nghệ "lõi", phát triển khoảng 40 nền tảng "Make in Viet Nam" như Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel; Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC; VNPT Hà Nội; Công ty Công nghệ DTT; Công ty CP Công nghệ Phenikaa Maas…

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: “Hà Nội có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ manh các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển và khuyến khích các doanh nghiệp lớn, truyền thông đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, thương mại. Các cơ quan của TP đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận kinh tế số”.

Về hạ tầng KHCN, Hà Nội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đơn cử như  Khu công nghệ cao Hoà Lạc thu hút được trên 94 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 89,3 tỷ đồng, trong đó có 52 dự án đang hoạt động. Nhiều dự án của các tập đoàn hàng đầu trong và ngoài nước đang có mặt và hoạt động tại đây như: Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec và Tập đoàn Nissan Techono (Nhật Bản) và các tập đoàn lớn của Việt Nam như: Viettel, VNPT, Vingroup, FPT

Nhiều sản phẩm công nghệ cao như công nghệ 4G, 5G, thiết bị y tế kỹ thuật số, cấu kiện động cơ máy bay, các giải pháp phần mềm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn trên nền tảng Akaminds IOT, Akabot, điện thoại thông minh… đã được sản xuất tại đây. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu não người Việt tại Hệ tri thức Việt số hóa…

Mới đây, Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức lễ “Ra mắt sản phẩm và khánh thành không gian làm việc của Trung tâm công nghệ và kinh tế số”, được kì vọng sẽ đóng góp sản phẩm ứng dụng công nghệ số, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.

Đề án “Vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội” đánh dấu một bước đi mạnh mẽ và đầy quyết tâm của TP Hà Nội trong việc đề ra cơ chế, chính sách xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành Thủ đô khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Hiện nay, nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, hạ tầng giao thông, đô thị thông minh của TP Hà Nội khi xây dựng được yêu cầu phải có nội dung nghiên cứu, phân tích để xem xét, bổ sung hạng mục ứng dụng, kết nối mạng IoT, tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số.

Trong thu hút đầu tư FDI, chủ trương của TP là thu hút các dự án ứng dụng công nghệ cao. Ở chiều ngược lại, các tập đoàn FDI lớn khẳng định sẽ lựa chọn Hà Nội là nơi để mở rộng đầu tư, kinh doanh trong những năm tới.

Từ những nền tảng trên, nền kinh tế số của Thủ đô cũng như cả nước sẽ càng được phát triển và hội nhập nhanh hơn với thế giới.