Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Tăng phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của chính quyền TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2023, công tác cải cách hành chính của TP Hà Nội đã đạt được những kết quả nổi bật, tích cực.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tập trung vào nhiệm vụ chuyển đổi số

Theo thông tin từ Sở Nội vụ, chính quyền TP Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số TP Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số TP Hà Nội để đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, toàn diện, thống nhất, đồng bộ công tác CCHC gắn với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ. Ban Chỉ đạo CCHC và chuyển đổi số Thành phố đã họp và chỉ ra một số nhiệm vụ tập trung cần triển khai về chuyển đổi số, chính quyền số, các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phân cấp, ủy quyền, cơ chế phối hợp trong thực hiện TTHC nội bộ từ nay cho đến hết năm 2023.

Thành phố tiếp tục đánh giá và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Hà Nội; đăng ký, triển khai các sáng kiến CCHC của các cơ quan, đơn vị ra toàn Thành phố; xây dựng và triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường lấy ý kiến hài lòng của người dân, tổ chức đối với một số dịch vụ công liên quan đến đất đai, xây dựng, y tế, giáo dục và sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị trên toàn Thành phố.

Kết quả, chỉ số Cải cách hành chính năm 2022 (PARINDEX) đạt 89,58%; xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố; tăng 7 bậc so với năm 2021. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS) đạt 80,16%; xếp thứ 30/63 tỉnh/thành phố; năm thứ 5 liên tiếp, Chỉ số Hài lòng của thành phố Hà Nội đạt trên 80%.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2022 (PAPI) của TP Hà Nội đạt 43,90/80 điểm; xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố; thuộc nhóm 1 (nhóm 15 tỉnh/thành phố có điểm số cao nhất). Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Hà Nội giữ vị trí trong nhóm 1 và tiến bộ vượt bậc so với giai đoạn trước.

Về cải cách thể chế, trong 6 tháng đầu năm 2023, HĐND TP đã ban hành 1 Nghị quyết, UBND Thành phố đã ban hành 10 Quyết định QPPL; kiểm tra việc tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi, thi hành pháp luật được 16/16 đơn vị. Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật Thành phố đã đăng tải 1.986 tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho hơn 290 báo cáo viên pháp luật cấp Thành phố và báo cáo viên pháp luật quận, huyện, thị xã. Đồng thời, triển khai Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến”; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về CCHC, cư trú, dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và các lĩnh vực cán bộ và Nhân dân Thủ đô quan tâm đặc biệt là TTHC trong lĩnh vực tư pháp như lý lịch tư pháp, công chứng, thừa phát lại.

Ngoài ra, TP đã tự kiểm tra đối với 13 Văn bản quy phạm pháp luật do UBND Thành phố ban hành, kiểm tra theo thẩm quyền đối với 45 văn bản do Hội đồng nhân dân, UBND cấp huyện ban hành, rà soát và ban hành Quyết định công bố Danh mục VBQPPL của TP Hà Nội ban hành đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2022, rà soát chuyên đề liên quan đến lĩnh vực nhà đất; đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và rà soát văn bản có yêu cầu giấy tờ cư trú; đề xuất, kiến nghị về các quy định gây vướng mắc về đầu tư, sản xuất, kinh doanh cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.... Cùng với đó, hoàn thiện 9 chính sách lớn đề nghị xây dựng Luật và tiến hành đánh giá tác động của chính sách. Đến nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó có dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thực hiện ủy quyền hơn 86% thủ tục hành chính

Về cải cách thủ tục hành chính, Thành phố đã ban hành 82 văn bản liên quan đến kiểm soát, cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Thành phố đã thông qua phương án đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp (08 TTHC); ban hành 30 Quyết định công bố danh mục TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ theo phương án ủy quyền giải quyết TTHC (bao gồm: công bố danh mục 1.104 TTHC, bãi bỏ 137 TTHC) thuộc thuộc phạm vi quản lý của các Sở và tương đương; phê duyệt 857 quy trình nội bộ giải quyết TTHC (lĩnh vực: nội vụ, tư pháp, ngoại vụ, du lịch, công thương, xây dựng, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông tin và truyền thông, lao động, thương binh và xã hội, khoa học và công nghệ, dân tộc, quản lý các khu công nghiệp và chế xuất).

Tính đến ngày 14/6/2023, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố là: 1.853 TTHC, trong đó cấp Sở, cơ quan tương đương Sở: 1407 thủ tục, cấp huyện: 297 thủ tục và cấp xã là: 149 thủ tục.

Đặc biệt, trong công tác cải cách tổ chức bộ máy, TP đã hoàn thành việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Sở; các Chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố; tập trung rà soát đồng bộ các nhiệm vụ giao thoa, chồng chéo các cấp; giảm từ 6 xuống còn 4 đơn vị đối với các Ban Quản lý dự án chuyên ngành; giảm 2 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp; 2 chi cục thuộc sở; 7 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở; 1 đơn vị sự nghiệp thuộc chi cục thuộc Sở.

Năm 2023 đã giảm 2.385 biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước so với năm 2022 (đạt tỉ lệ 2%). Qua rà soát, kiện toàn, tinh giản biên chế đã góp phần thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.

Đối với thực hiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền ở địa phương, đã thực hiện ủy quyền đối với 531/617 TTHC (đạt tỷ lệ 86,06%) đồng thời chỉ đạo thực hiện thống nhất đối với các nội dung ủy quyền từ UBND Thành phố, Chủ tịch UBND thành phố cho cấp sở, cấp huyện; từ sở, ban, ngành cho các phòng, ban, đơn vị thuộc sở; từ UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện về các phòng, ban, đơn vị thuộc cấp huyện và UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã; rà soát, tổng hợp, trình UBND thực hiện công bố danh mục TTHC và phê duyệt quy trình nội bộ thực hiện sau ủy quyền.

Về phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, Thành phố đưa vào và vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung Thành phố; Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND thành phố và sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.

Thành phố tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để làm cơ sở xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; hoàn thành việc cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản mới nhất, hoàn thành việc xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung.