Đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; đồng thời hưởng ứng phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển – Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” của Sở GD&ĐT Hà Nội, Trường THPT Chu Văn An đại diện cụm trường Ba Đình - Tây Hồ vừa tổ chức chuyên đề Vật lý thiên văn chủ đề “Trái đất và bầu trời”.
Chuyên đề được thiết kế theo phương pháp hoàn toàn mới khi không diễn ra trong lớp học truyền thống với vài chục học sinh mà là chuỗi hoạt động giáo dục được thể hiện thông qua nhiều phương thức, tại nhiều không gian và do nhiều thầy cô thuyết giảng.
Chuyên đề có sự tham gia của gần 300 học sinh lớp 10, bao gồm học sinh Trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ) và một số học sinh lớp 10 Trường THPT Hồng Thái (Đan Phượng). Cùng dự còn có các thầy cô cốt cán bộ môn Vật lý cụm trường Ba Đình - Tây Hồ và Trường THPT Hồng Thái (Đan Phượng).
Mở đầu chuyên đề, học sinh được nghe thầy Hà Lam Sơn - chuyên viên Sở GD&ĐT Hà Nội, cũng là giáo viên dạy Vật lý nổi tiếng ở Hà Nội giới thiệu những đặc trưng cơ bản của bộ môn Thiên văn học và Vật lý thiên văn.
Theo đó, đây là môn học còn mới lạ không chỉ với học sinh mà còn đối với cả giáo viên. Hiện việc giảng dạy Thiên văn học và Vật lý thiên văn trong nhà trường còn nhiều khó khăn; thầy cô giáo cũng phải gồng mình giảng dạy và rất vất vả để tìm kiếm, tiếp cận những công cụ, tài liệu của môn học.
Thầy Lê Mạnh Cường, giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - người đào tạo nhiều thế hệ đoạt giải cao tại các kỳ thi quốc tế cho hay, học sinh giỏi Thiên văn và Vật lý thiên văn có thể tham dự nhiều kỳ thi quốc tế; trong đó nổi bật là Kỳ thi Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn (IOAA), kỳ thi Olympic Thiên văn quốc tế (IAO), Olympic Thiên văn học Châu Á - Thái Bình Dương (APAO)...
Tại chuyên đề, 3 học sinh từng đoạt giải các kỳ thi Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn năm 2022, 2023 đến từ Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam đã có bài chia sẻ, trao đổi về một số lý thuyết thú vị của môn học cũng như kể lại những trải nghiệm của bản thân khi trở thành học sinh đội tuyển tham gia dự thi quốc tế.
Ở phần tiếp theo, gần 300 học sinh di chuyển ra không gian sân trường và tiếp tục chuyên đề thông qua trò chơi “tìm hiểu kiến thức” và hoạt động thực hành “chế tạo kính thiên văn”. Tại đó, học sinh được vận động và vận dụng những kiến thức đã học, những hiểu biết về vật lí thiên văn để chế tạo kính thiên văn đơn giản thông qua các công cụ được chuẩn bị trước.
Chia sẻ cảm xúc khi vượt chặng đường xa đến Trường THPT Chu Văn An tham dự chuyên đề Vật lí “Trái đất và bầu trời”, em Nguyễn Hà Nguyên, học sinh lớp 10A4, Trường THPT Hồng Thái cho hay, vốn rất yêu thích môn Vật lý, nay được nghe giảng sâu về Vật lý - Thiên văn, em thấy được mở mang, được học hỏi nhiều điều mới mẻ; nhất là khi được các thầy giáo và các anh kể về hành trình đến với môn học cũng như đến với kỳ thi Vật lý thiên văn quốc tế.
Theo nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, có nhiều cách thức, hình thức dạy học Thiên văn và Vật lý thiên văn khác nhau; qua đó chẳng những giúp các em có thêm nhiều kiến thức mà còn kích thích trí tò mò, hun đúc niềm niềm say mê khám phá, yêu thích khoa học Vật lý thiên văn. Đó chính là mục tiêu, là yêu cầu cần đạt của môn học trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
“Với chuyên đề này, Trường THPT Chu Văn An mong muốn được kết nối với các trường bạn để cùng chia sẻ, trao đổi, học hỏi, hỗ trợ nhau về chuyên môn; để tiếp sức cho nhau trên hành trình đổi mới giáo dục….”, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp bày tỏ.
Được biết, sau chuyên đề này, phòng Giáo dục Trung học – Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở rộng phương thức giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn nêu trên đến nhiều trường THPT trên địa bàn TP.