Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Thanh tra giáo dục phát hiện nhiều sai phạm thi cử

Bài, ảnh: Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phát hiện ra sai phạm trong liên kết đào tạo. Đã có 13 đối tượng vi phạm về thi bị xử lý trong năm học 2017 - 2018.

13 đối tượng vi phạm bị xử phạt
Ngày 12/10, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2017 - 2018 và triển khai nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra năm học 2018 - 2019.
Thông tin về công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2017 - 2018, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội Đoàn Thị Kiều Oanh cho biết: Năm học 2017 - 2018, Sở đã tổ chức và triển khai nghiêm túc các hoạt động về thanh tra các kỳ thi. Cụ thể, thanh tra thi đội tuyển USO, thi học sinh giỏi TP lớp 9, lớp 12, chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia; thanh tra thi nghề cấp THCS - THPT; thanh tra thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019, thi THPT quốc gia năm 2018.
Năm học 2018 - 2019 Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra để thực hiện đánh giá.
Qua thanh, kiểm tra, đã kịp thời phát hiện và kiến nghị khắc phục các thiếu sót trong việc chuẩn bị hồ sơ thí sinh, cơ sở vật chất và các công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Đồng thời, kiến nghị khắc phục các biện pháp phòng ngừa đảm bảo an toàn cho công tác thi tại các điểm thi, góp phần cho các kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
"Từ các cuộc thanh, kiểm tra đã phát hiện sai phạm trong công tác thực hiện liên kết đào tạo, thực hiện các quy định của pháp luật. Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội đã kịp thời chấn chỉnh và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực hành chính. Trong năm học 2017 - 2018 đã xử phạt 13 đối tượng vi phạm (1 trường đại học, 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 2 trường THPT, 2 trung tâm ngoại ngữ, 5 trường hợp thi hộ, dạy thêm khi chưa được cấp phép)" - bà Đoàn Thị Kiều Oanh cho hay.
Đánh giá chất lượng giáo viên còn có sự nương nhẹ
Thông tin về công tác thanh tra hành chính, bà Đoàn Thị Kiều Oanh cho biết, trong năm học 2017 - 2018, Sở GD&ĐT Hà Nội kết hợp thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành 29/208 trường THPT. Nhìn chung các trường thực hiện đúng những văn bản hướng dẫn về việc thực hiện nhiệm vụ năm học, công khai trong lĩnh vực giáo dục, phòng chống tham nhũng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo... Có nhiều trường đã có đổi mới và chuyển biến trong công tác quản lý như: THPT Nguyễn Văn Cừ, Đống Đa, Nguyễn Trãi - Ba Đình, THCS&THPT Trần Quốc Tuấn, THPT Olympia.
Tuy nhiên, kết quả thanh tra cũng cho thấy các hạn chế như: Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, phần triển khai kế hoạch năm học nhà trường còn thiếu nội dung. Hầu hết kế hoạch cá nhân giáo viên còn sơ sài, nội dung chung chung, thiếu cụ thể, chưa mang dấu ấn cá nhân rõ nét. Các nội dung mang tính đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá... chưa được thể hiện, chi tiết đến từng tháng.
Không chỉ thế, các trường nhận xét, đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên còn có biểu hiện nể nang, nương nhẹ. Còn có trường hợp phân công chuyên môn của giáo viên chưa hợp lý ở một số môn. Một số giáo viên đổi mới phương pháp dạy học chưa hiệu quả, tổ chức các hoạt động còn đơn điệu, câu hỏi chưa phát huy được năng lực của người học.
Giáo viên có đổi mới trong dạy học
Đối với thanh tra chuyên ngành, năm học 2017 - 2018, Sở GD&ĐT Hà Nội thanh tra 40 trường mầm non, 30 trường tiểu học, 300 trường THCS, 2 đoàn thanh tra chuyên ngành trung tâm ngoại ngữ tin học. Nhìn chung giáo viên các trường đã có nhiều đổi mới trong phương pháp dạy học; việc kiểm tra đánh giá học sinh thông qua việc định hướng tiếp cận năng lực của từng môn học nhưng vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức - kỹ năng. Việc sử dụng đồ dùng dạy học, ứng dụng CNTT đã phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh. Các trường đã quan tâm tổ chức cho học sinh thực hành, chú ý rèn kỹ năng.
Phong trào tự làm đồ dùng dạy học được giáo viên hưởng ứng tích cực, hiệu quả. Một số trường đã được bổ sung thêm số lượng trang thiết bị đồ dùng dạy học tự làm phong phú, đa dạng như trường Tiểu học Nguyễn Trãi - Thanh Xuân. Nhiều trường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Phòng thư viện rộng rãi, đồ dùng được bố trí hợp lý, sắp xếp khoa học và xây dựng theo hình thức "thư viện mở" tạo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh và giáo viên xuống đọc và tham khảo, đơn cử như trường TH Mỹ Đình 1 - Nam Từ Liêm.
Tuy nhiên, cấp học mầm non thực hiện nội dung công khai chất lượng giáo dục chưa cụ thể theo kết quả của nhà trường. Nhiều trường chưa có trang web để công khai. Cấp tiểu học, góc công khai nội bộ của nhà trường hoạt động chưa thường xuyên. Một số giáo viên nhận xét đánh giá học sinh theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT chưa thành thục, còn phụ thuộc nhận xét có sẵn trong phần mềm. Do thiếu phòng học nên còn tình trạng có trường có lớp học buổi 2 học trước thời khóa biểu chính khóa. Đối với cấp THCS, cũng chưa bố trí được "góc" công khai thuận lợi cho học sinh, cha mẹ học sinh xem.
Phó Giám đốc Sở GD&DDT Hà Nội Lê Ngọc Quang nhận định, công tác thanh tra đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những mặt hạn chế, thiếu sót. Đồng thời, có những đóng góp vào việc điều chỉnh, quản lý và thành tích chung của ngành GD&ĐT Hà Nội trong năm học vừa qua. Ông Quang đề nghị năm học 2018 - 2019, bộ phận Thanh tra Sở tiếp tục tăng cường phối hợp thanh tra để thực hiện kiểm định đánh giá trong và ngoài nhà trường.
Cùng với đó, sẽ tập trung tham mưu cho địa phương để đáp ứng đủ trường, lớp cho học sinh học. "Nếu trường nào vượt quá sĩ số học sinh trên lớp theo quy định thì không được công nhận mới, công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia. Các trường lưu ý thực hiện đúng Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó cho phép được nhận quà biếu tặng bằng tiền mặt.