Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội thực hiện lộ trình nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Hà Nội là địa phương có chất lượng giáo dục dẫn đầu cả nước nhưng thứ hạng môn tiếng Anh chưa được như kỳ vọng. Nhiều năm qua, ngành giáo dục TP luôn xác định nâng cao năng lực tiếng Anh là nhiệm vụ quan trọng; đồng thời đã và đang thực hiện bằng lộ trình cụ thể.

Nâng chuẩn IELTS cho giáo viên tiếng Anh

Hà Nội vừa tổ chức lễ khai giảng khoá học đào tạo nâng chuẩn IELTS quốc tế cho 1.900 giáo viên tiếng Anh- là những người đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam đang giảng dạy tại các trường phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP. Đây là khoá học có ý nghĩa trong việc bồi dưỡng, củng cố kiến thức, kỹ năng cho giáo viên tiếng Anh; để từ đó, các thầy cô sẽ truyền động lực cho học sinh, giúp trình độ tiếng Anh của các em được nâng lên.

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa khai giảng khoá đào tạo nâng chuẩn IELTS cho 1.900 giáo viên tiếng Anh đến từ các trường công lập trên địa bàn.
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa khai giảng khoá đào tạo nâng chuẩn IELTS cho 1.900 giáo viên tiếng Anh đến từ các trường công lập trên địa bàn.

Trước khi có khoá đào tạo này, trong năm 2022 và 2023, theo quyết định của UBND TP Hà Nội, Sở GD&ĐT đã tổ chức cho 255 giáo viên tiếng Anh có trình độ IELTS từ 6,5 trở lên tham gia chương trình bồi dưỡng nâng cao phương pháp dạy học, công nghệ thông tin ở Australia.

Tại các khoá học ngắn hạn đó, giáo viên được học 4 chuyên đề bồi dưỡng, nâng cao ứng dụng công nghệ trong dạy kỹ năng đọc - viết - nghe - nói tiếng Anh; giúp học viên hiểu và sử dụng thành thạo chiến lược trong giảng dạy tiếng Anh. 100% học viên tham gia khoá học được nhận Chứng chỉ tốt nghiệp xuất sắc.

Trở về từ khoá học, ngoài kiến thức thu nhận được thì điều quý giá nhất là các thầy cô đã tìm cách chia sẻ, lan toả những kinh nghiệm, công nghệ và phương pháp mình đã học đến bạn bè, đồng nghiệp qua mô hình CLB 200+.

Và tại khoá đào tạo nâng chuẩn cho 1.900 giáo viên tiếng Anh do Sở GD&ĐT tổ chức lần này, vai trò của các thành viên CLB 200+ được xác định rõ, đó là mỗi thành viên CLB có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ 8 học viên để trình độ tiếng Anh của các thầy cô được nâng lên. Đây cũng là tinh thần của phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” mà ngành GD&ĐT Hà Nội triển khai trong 2 năm gần đây.

Qua phương pháp giảng dạy chuyên nghiệp của nhiều chuyên gia đến từ các đơn vị khảo thí tiếng Anh uy tín cùng sự đồng hành sát sao, nhiệt tình của các thầy cô là giáo viên cốt cán tiếng Anh, khoá học chắc chắn sẽ thu về kết quả tốt để trình độ tiếng Anh của giáo viên, học sinh Hà Nội được nâng lên, tăng chỉ số xếp hạng tiếng Anh so với các tỉnh thành cả nước.

Nhà trường, giáo viên cùng nhập cuộc

Chỉ rõ thách thức, trở ngại trong công tác dạy và học tiếng Anh tại các trường học ở nông thôn, cô giáo Vũ Thị Liên, Trường THCS Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên cho biết: ở nông thôn, học sinh không có môi trường nói tiếng Anh, bố mẹ chưa có điều kiện đầu tư cho con học tiếng Anh; hơn nữa, kỳ thi vào lớp 10 THPT lại không có phần thi nói tiếng Anh.

“Ở trường, 1 tiết tiếng Anh có 45 phút, mỗi lớp 40 – 45 học sinh, nếu chia ra mỗi em chỉ được 1 phút. Mỗi tuần 3 tiết học như vậy nên nếu về nhà, phụ huynh không đồng hành, không có phương pháp hỗ trợ thì việc học tiếng Anh sẽ khó có hiệu quả”, cô Liên nói. Tuy nhiên, cô Liên cũng cho hay, tại Trường THCS Phú Xuyên, tổ tiếng Anh có 3 giáo viên nhưng các thầy cô luôn yêu nghề, nhiệt huyết, nỗ lực hết sức mình để mang đến cho học sinh những giờ học tiếng Anh sinh động và chất lượng.

Tuy điều kiện giảng dạy tiếng Anh còn nhiều khó khăn, nhưng ngành giáo dục Hà Nội đã có kế hoạch, lộ trình nâng cao chất lượng môn tiếng Anh.
Tuy điều kiện giảng dạy tiếng Anh còn nhiều khó khăn, nhưng ngành giáo dục Hà Nội đã có kế hoạch, lộ trình nâng cao chất lượng môn tiếng Anh.

Càng khó khăn, tinh thần quyết tâm của giáo viên Hà Nội càng nâng cao. Giáo viên luôn giữ vai trò tiên phong, tìm những phương pháp, cách thức học mới; các nhà trường cũng xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, trong đó có chất lượng môn tiếng Anh.

Cô Lưu Tú Oanh, giáo viên bộ môn ngoại ngữ, Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm cho biết: giải pháp Trường THCS Trưng Vương đang áp dụng, đó là vào thứ 5 hàng tuần, trường có Ngày hội ngôn ngữ thông qua chương trình phát thanh; giờ nói tiếng Anh ở tất cả các lớp. Trong ngày đó, giáo viên bộ môn sẽ đi kiểm tra, đánh giá môi trường ở từng lớp và tạo nên không khí thi đua rất sôi nổi. Đây là chiến lược lâu dài của nhà trường, đòi hỏi mỗi giáo viên phải tham gia, nhập cuộc.

“Để tăng tính chủ động và niềm yêu thích tiếng Anh với học sinh, Trường THCS Giảng Võ đã mở nhiều CLB, trong đó có CLB tiếng Anh để học sinh có nhiều điều kiện thể hiện mình thông qua việc viết truyện bằng tiếng Anh, hát và sáng tác âm nhạc bằng tiếng Anh, tham gia các chuyến tham quan, trải nghiệm trong nội đô Hà Nội... để phát huy năng lực ngoại ngữ. Ban giám hiệu cũng liên kết với các trung tâm ngoại ngữ, đưa các tiết tiếng Anh ở trung tâm vào chương trình trên lớp để học sinh được giao lưu, học hỏi, trau dồi tiếng Anh”, cô Phạm Thị Mỹ Hương, giáo viên dạy tiếng Anh, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình chia sẻ.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có đặt ra yêu cầu "từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai". Đây cú hích với ngành giáo dục nói chung và giáo dục Hà Nội nói riêng. Luôn xác định trách nhiệm dẫn dắt các tỉnh, thành khác về giáo dục và hướng đến mục tiêu đào tạo ra những sản phẩm học sinh là công dân toàn cầu, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để từng bước thực hiện.

Trước mắt, Hà Nội tập trung vào đội ngũ giáo viên cốt cán tiếng Anh thông qua việc mở khoá đào tạo nâng chuẩn IETLS quốc tế kèm thi sát hạch cho giáo viên. Nếu giáo viên đạt chuẩn IELTS cao thì học sinh sẽ có cơ hội được nâng cao trình độ và năng lực tiếng Anh.