Hướng tới y tế và giao thông thông minh
Ngày 22/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tham dự và có bài phát biểu tại Hội thảo “Thành phố thông minh Hoa Kỳ - Việt Nam”, chia sẻ về tầm nhìn và kế hoạch phát triển TP thông minh tại Hà Nội.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, bước vào giai đoạn phát triển mới, Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức mới, đó là Dân số đông và phân bố mật độ dân cư không đều, Ô nhiễm môi trường, Xử lý nguồn nước, Ùn tắc giao thông, Năng lượng tái tạo... Vì vậy, để phát triển bền vững, TP Hà Nội đã xác định các mục tiêu, khâu đột phá nhằm phát triển xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành TP “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thông minh, có bản sắc, một đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.
Hình mẫu đô thị thông minh gồm y tế thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh Hà Nội hướng tới. |
Từ quan điểm định hướng và tầm nhìn chiến lược như vậy, Hà Nội xác định, mục tiêu xây dựng thông minh bao gồm: Phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN khi giao tiếp với cơ quan chính quyền, Xây dựng nền móng cơ sở hạ tầng cho TP thông minh với Trung tâm giám sát và điều hành tập trung kết nối đến hạ tầng viễn thông, IoT, Hình thành khu chuyển giao khoa học công nghệ tập trung và xây dựng vườn ươm DN khởi nghiệp để tham gia tích cực vào quá trình xây dựng TP Hà Nội thông minh. Đặc biệt, năm 2017, Hà Nội sẽ tập trung cải thiện các lĩnh vực thiết yếu, phát triển ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực như y tế thông minh, giao thông thông minh, du lịch thông minh, năng lượng thông minh.
Tiềm năng dồi dào của Hà Nội
Xuất phát từ yêu cầu thực tế, Hà Nội đang tập trung ưu tiên phát triển các thành tố thông minh trong các lĩnh vực: chính quyền điện tử, Giao thông, Giáo dục, Y tế và môi trường và đã đạt được các kết quả bước đầu. Thời điểm hiện tại, Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và khai thác hiệu quả phục vụ để triển khai các các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, DN và phục vụ công tác quản lý điều hành của TP. Hà Nội cũng đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị, với trên 500 camera trên các tuyến giao thông trọng điểm để giám sát; Hệ thống đèn tín hiệu giao thông đã kết nối tại 179 nút giao thông. Bên cạnh đó, đã triển khai ứng dụng quản lý hành trình hơn 100 tuyến xe bus với 1.600 xe; triển khai thí điểm ứng dụng quản lý bãi đỗ xe thông minh iParking tại 17 điểm trên 2 tuyến phố với 286 điểm đỗ xe, sắp tới sẽ cho triển khai rộng trên hầu hết các tuyến phố.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao đổi cùng Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius về đô thị thông minh. |
Trong khi đó, ông Setiaji - Trưởng ban Quản lý đô thị thông minh Jakarta, Sở Truyền thông, Thông tin và Thống kê, Chính quyền Đô thị Jakarta cho rằng, Malaysia và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong vấn đề giao thông đô thị. Hai nước đều sở hữu các địa hình tách biệt như đất liền, biển, đảo và do đó quá trình xây dựng các cơ sở dữ liệu thông tin để hỗ trợ cơ sở vật chất cần có sự liên kết và phối hợp linh hoạt, đồng bộ giữa các cơ quan chính quyền.
"Lắng nghe những kế hoạch của chính quyền TP, tôi rất ấn tượng trước những dự định cụ thể, chi tiết trong cả ngắn hạn và dài hạn để đạt được các mục tiêu xây dựng đô thị thông minh. Tuy nhiên, để Hà Nội trở thành một thành phố thông minh trong tương lai, các bạn cần cải thiện hạ tầng viễn thông, đặc biệt là hệ thống quản lý giao thông", ông Setiaji nhấn mạnh.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius về việc phát triển TP thông minh. Đại sứ Ted Osius nhấn mạnh, việc Chủ tịch UBND TP tham dự đã thể hiện cam kết của Hà Nội trong việc thúc đẩy ý tưởng về xây dựng TP thông minh. Đặc biệt, bài phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung đã cho thấy tiềm năng cũng như những cơ hội của TP Hà Nội. Ông Ted Osius cũng cam kết, chuyên gia Mỹ sẽ hỗ trợ tích cực để phát triển ý tưởng của Hà Nội cũng như thực hiện tầm nhìn của TP trong việc phát triển y tế, mở ra cơ hội lớn cho TP Hà Nội.
Các giai đoạn xây dựng TP thông minh của Hà Nội Giai đoạn 1, đến năm 2020: Hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của TP thông minh, bao gồm nền tảng cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu cốt lõi Giai đoạn 2, từ năm 2021 - 2025: Hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.Giai đoạn 3, sau năm 2025: TP Hà Nội phát triển ở trình độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức. |