Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: Chung tay gìn giiữ “kho báu” nơi biên giới

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vùng biên giới Việt - Lào (xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) có khu rừng lim xanh cổ thụ, được ví như “kho báu”. Dưới bàn tay chăm sóc của người dân, từng ngày rừng phát triển xanh tốt, mang đến môi trường trong lành, thân thiện cho miền biên viễn.

Các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát rừng lim xanh tại  xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn
Các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát rừng lim xanh tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn

Bí quyết gìn giữ " kho báu"

Trạm bảo vệ rừng Ngã Đôi ở xã Sơn Kim 1 nằm sâu trong rừng già hun hút, giáp biên giới Việt- Lào. Buổi sáng mặt trời đã gác núi, nhưng cả thung lũng vẫn chìm sâu trong sương mù dày đặc. Tiếng suối chảy, tiếng chim muông vọng vào vách đá, đó là những âm thanh thân thuộc của núi rừng, nhưng vẫn gợi lên cảm giác quạnh vắng nơi miền sơn cước xa xôi.

Trạm bảo vệ rừng Ngã Đôi, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn
Trạm bảo vệ rừng Ngã Đôi, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn

Hơn 25 năm gắn bó với Trạm bảo vệ rừng Ngã Đôi, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn, anh Lưu Trọng Bằng quê ở xã Sơn Kim 1 thấu hiểu hơn ai hết về giá trị to lớn của tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là rừng cây lim xanh cổ thụ, quý hiếm. Theo anh Bằng, rừng sinh trưởng, phát triển tốt như hôm nay, người làm nhiệm vụ giữ rừng phải vượt qua bao khó khăn, vất vả, thậm chí là cả những hiểm nguy khó lường.

Anh Lưu Trọng Bằng kể về công cuộc giữ rừng lim xanh, đôi khi phải đối mặt với những xung đột, hiểm nguy khó lường
Anh Lưu Trọng Bằng kể về công cuộc giữ rừng lim xanh, đôi khi phải đối mặt với những xung đột, hiểm nguy khó lường

Anh Bằng kể lại, từ những thập niên 90 của thế kỷ trước, rừng đầu nguồn giáp biên giới Việt-Lào ở huyện Hương Sơn từng là điểm nóng về khai thác lâm sản trái phép. Có thời điểm vấn nạn phá rừng, khai thác gỗ quý khiến cho nhiều khu rừng trở nên tan hoang, nghèo kiệt. “Rừng ngoài xanh, trong trắng”, không ít lần lực lượng kiểm lâm và chủ rừng phải tuần tra, kiểm soát xuyên đêm, ngăn chặn lâm tặc phá rừng.

“Những cuộc truy đuổi kẻ xấu phá rừng, nhiều khi xảy ra xung đột, thương tích giữa đôi bên. Đó là câu chuyện trước đây, còn bây giờ ý thức giữ rừng của người dân đã nâng lên rõ rệt. Hầu hết diện tích rừng tự nhiên đều được người dân nhận giao khoán, chăm sóc, bảo vệ, nhất là tái sinh rừng gỗ quý như: lim xanh, táu, dỗi…càng được chú trọng nhiều hơn”, anh Bằng chia sẻ.

Rừng lim xanh tại Tiểu khu 51, xã Sơn Kim 1, nhiều cây cổ thụ, đường kính khoảng từ 70- 100 cm
Rừng lim xanh tại Tiểu khu 51, xã Sơn Kim 1, nhiều cây cổ thụ, đường kính khoảng từ 70- 100 cm

Cũng theo anh Bằng, riêng tại Tiểu khu 51, xã Sơn Kim 1 có khoảng 60 ha cây lim xanh cao ngút tầm mắt, cành lá sum suê, nhiều cây đường kính khoảng từ 70-100 cm. Rừng lim xanh cổ thụ không chỉ mang lại giá trị to lớn về môi sinh, môi trường, mà còn cung cấp hạt giống, bảo tồn nguồn gen gỗ lim quý hiếm để nhân ra diện rộng.

“Lim xanh là loài gỗ quý, có giá trị cao về kinh tế. Do vậy, chúng tôi thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát rừng tại gốc vì không loại trừ kẻ xấu sẽ lén lút vào rừng, khai thác gỗ lim đưa về sử dụng”, anh Lưu Trọng Bằng thông tin.

Chung tay phát triển rừng bền vững

Rừng đầu nguồn ở huyện Hương Sơn, giáp biên giới Việt- Lào phong phú, đa dạng về chủng loại, trữ lượng gỗ khá lớn. Một thời, rừng tự nhiên nơi đây từng bị tàn phá không thương tiếc, hệ lụy là hạn hán, lũ quét, sạt lở đất…thường xảy ra, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Đó là chưa kể đến hiện tượng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, mà nguyên nhân cũng là do lá phổi xanh bị xâm hại, gây nên những tác động tiêu cực sau này.

Chủ trương giao đất, khoán rừng cho người dân, đặc biệt là việc phục hồi, tái sinh rừng  lim xanh trở thành rừng cây giống được chính quyền các cấp, lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và người dân tích cực thực hiện. Qua đó đã làm chuyển biến, thay đổi nhận thức, ý thức bảo vệ rừng, phòng ngừa xâm hại rừng, góp phần làm giàu vốn rừng, nâng cao giá trị hệ sinh thái của rừng tự nhiên.

Rừng lim xanh sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần làm giàu vốn rừng, nâng cao giá trị hệ sinh thái  của rừng tự nhiên
Rừng lim xanh sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần làm giàu vốn rừng, nâng cao giá trị hệ sinh thái  của rừng tự nhiên

“Trang trại nằm sát rừng tự nhiên, nhất là khu rừng lim xanh cổ thụ. Do vậy, việc chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế chúng tôi luôn gắn với nhiệm vụ bảo vệ rừng. Có như vậy thì rừng mới phát triển bền vững, phòng ngừa thảm họa thiên tai và mang lại những giá trị tích cực cho cuộc sống”, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn chia sẻ.

Lim xanh là loài cây bản địa, mọc nhiều ở khu vực rừng Bắc Trường Sơn. Kể từ khi rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, hàng nghìn cây lim xanh ở vùng rừng núi, biên giới xã Sơn Kim 1 phát triển tốt, nhiều cây cao ngút tầm mắt, vỏ sần sùi, chu vi gốc, đường kính khác nhau. Điều đó cho thấy cây lim xanh phục hồi, sinh trưởng nhanh nếu không bị tác động tiêu cực từ bàn tay con người chặt phá, hủy hoại.

“Nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng được chính quyền đặc biệt chú trọng. Riêng đối với rừng cây lim xanh cổ thụ, quý hiếm, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, tổ chức ký cam kết cho Nhân dân, chủ động phòng ngừa nguy cơ khai thác rừng trái phép”, ông Hoàng Văn Thư- Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn cho biết.

Rừng lim xanh cổ thụ ở xã Sơn Kim 1, cung cấp hạt giống, bảo tồn nguồn gen gỗ lim quý hiếm để nhân ra diện rộng
Rừng lim xanh cổ thụ ở xã Sơn Kim 1, cung cấp hạt giống, bảo tồn nguồn gen gỗ lim quý hiếm để nhân ra diện rộng
Rừng lim xanh quý hiếm giáp biên giới Việt- Lào, cành lá sum suê, mang lại giá trị to lớn về môi sinh, môi trường
Rừng lim xanh quý hiếm giáp biên giới Việt- Lào, cành lá sum suê, mang lại giá trị to lớn về môi sinh, môi trường

Rừng lim xanh cổ thụ, quý hiếm “độc nhất vô nhị” ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đang được các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và Nhân dân gìn giữ, bảo vệ nghiêm ngặt. Bởi lim xanh là loài gỗ quý hiếm, có sức bền vật liệu cao, thường được sử dụng làm nhà cửa, đồ mộc, các công trình dân dụng khá phổ biến, nên nguy cơ chặt phá, xâm hại rừng luôn tiềm ẩn.

“Các chủ rừng đã xây dựng phương án quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng lim xanh. Về phía ngành kiểm lâm luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chủ rừng thực hiện phương án đã đề ra; chú trọng tuần tra, kiểm soát rừng tại gốc, nhìn chung rừng lim xanh đang sinh trưởng, phát triển tốt, chưa xảy ra các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng”, ông Bùi Trọng Thái- Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn thông tin.